Là một tập đoàn lớn, nhiều thành viên, Tập đoàn Stavian (có trụ sở tại quận Hoàng Mai) phải đối mặt bài toán dữ liệu phân tán, không tập trung, gây khó khăn cho cán bộ, nhân viên trong việc tiếp cận với các hệ thống thông tin. Trước tình hình này, tập đoàn quyết định vận hành hệ thống quản trị doanh nghiệp SAP ERP. Đây là giải pháp số hóa mà Công ty Hệ thống thông tin FPT (thành viên Tập đoàn FPT) đã đồng hành, hỗ trợ tập đoàn triển khai nhằm đáp ứng bốn hướng trong hoạt động của Stavian, bao gồm quản trị toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, kết nối thống nhất môi trường đối tác, tăng cường trải nghiệm của khách hàng và tích hợp máy móc thiết bị, công cụ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Stavian đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn FPT trong việc ứng dụng các giải pháp số hóa vào quá trình vận hành, nâng cao hiệu quả và gia tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Tập đoàn FPT sẽ đồng hành Stavian phát triển giải pháp quản lý đại lý và phân phối, tự động hóa quy trình quản trị doanh nghiệp và các giải pháp bao gồm: Dịch vụ truyền dẫn trong nước và quốc tế, kết nối internet, các giải pháp chuyển đổi số ứng dụng công nghệ 4.0 tiên tiến (AI, Chatbot, RPA, Data Analytics, Blockchain...). Đại diện Tập đoàn Stavian đánh giá, việc ứng dụng giải pháp chuyển đổi số trong hệ thống quản trị nguồn lực một cách toàn diện đang là chiến lược được đơn vị từng bước triển khai thành công.
Chuyển đổi số là bước đi cần thiết, quan trọng của mỗi doanh nghiệp trong quá trình phát triển hiện nay. Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành phố Hà Nội đã triển khai Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, từ năm 2022 đến nay, sở khẩn trương triển khai các nhiệm vụ quy định tại kế hoạch này và đạt được một số kết quả. Trong đó, sở hoàn thành xây dựng, thiết lập phần mềm thu thập, đánh giá, phân tích, xử lý thông tin để cung cấp các công cụ, tài liệu, giải pháp về chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội (tại địa chỉ https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn). Hiện phần mềm đã được tích hợp trên Cổng thông tin Hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố để đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Trong đó, chuyên trang YouTube “Chuyển đổi số Hà Nội-SCE” đã được vận hành, đăng tải các video truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đạt hơn 17.000 lượt đăng ký theo dõi với hơn 150 video được đăng tải.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số nhưng không biết làm như thế nào và từ đâu. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng các bài giảng trực tuyến về lĩnh vực chuyển đổi số, tới tận các doanh nghiệp để đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số. Chỉ trong thời gian ngắn, sở đã tổ chức mười khóa đào tạo cho 800 học viên về kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số cho người quản lý; tổ chức 65 khóa đào tạo Khởi sự kinh doanh (cho 5.200 học viên) và 63 khóa đào tạo Quản trị kinh doanh (cho 5.040 học viên) về chuyển đổi số... Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mai Vũ Thị Mai đánh giá, những chương trình tập huấn, khóa học đào tạo mà Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức rất thiết thực, có thể ứng dụng ngay vào hoạt động của doanh nghiệp.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2025, hỗ trợ xây dựng, hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số để hỗ trợ toàn diện, sâu rộng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Khoảng 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được nhận hỗ trợ sử dụng các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo kiến thức, tư vấn cung cấp các nền tảng chuyển đổi số; hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp...
Tuy nhiên, hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chỉ dừng ở mức độ nhỏ, mang tính phụ trợ, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu. Việc vận dụng cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số còn nhiều khó khăn. Thí dụ, các nội dung về hỗ trợ thuê, mua phần mềm cho doanh nghiệp chuyển đổi số còn nhiều tranh cãi trong công tác định giá phần mềm hoặc đánh giá hiệu quả của công tác hỗ trợ công nghệ…
Do đó, để đạt được mục tiêu đề ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho rằng, cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp về công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Thành phố tiếp tục bố trí ngân sách ổn định để bảo đảm công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được đồng bộ, liên tục, hiệu quả. Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, mạnh dạn ứng dụng để tạo đổi mới, bứt phá ■