Thiếu an toàn ở các sân chơi nhỏ lẻ, tự phát

Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều sân chơi tự phát, nhỏ lẻ với các trò chơi ưa thích dành cho trẻ em. Tuy nhiên, việc sử dụng, lắp đặt, thiết kế, bảo quản các trò chơi này ở nhiều sân chơi đang thiếu độ an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hại, ảnh hưởng đến trẻ em...

Trẻ em rất cần những khu vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn.
Trẻ em rất cần những khu vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn.

Nắm bắt nhu cầu vui chơi của trẻ em ngày càng tăng, nhất là vào dịp nghỉ hè, những năm gần đây, nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh đã đầu tư kinh doanh mô hình sân chơi nhỏ lẻ, tự phát.

Đây là những sân chơi có diện tích không lớn, thường chỉ khoảng 100 m 2 đến 200 m 2 , thậm chí chỉ có mấy chục mét vuông. Đó có thể là mảnh đất trống nằm gần khu dân cư, hoặc diện tích tận dụng của khuôn viên, siêu thị, lề đường...

Các quận, huyện vùng ven như: Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12,...

đang ngày càng "nở rộ" mô hình sân chơi này.

Sân chơi tự phát, nhỏ lẻ thường kinh doanh theo một "công thức" khá đơn giản: Tìm thuê đất trống, lắp đặt, bầy biện các trò chơi phổ biến hiện nay như thú nhún, xe điện, xe cụng, nhà banh, nhà hơi... phục vụ cho "thượng đế nhí".

Có những điểm vui chơi chỉ mọc lên được vài tháng rồi lại tháo dỡ chuyển tới kinh doanh tại địa điểm khác. Chị K.H, chủ một sân chơi ở quận Tân Phú, thừa nhận, khi mở ra kinh doanh, phần lớn các chủ sân chơi đều nóng vội thu hồi vốn và mau chóng kiếm lời nên việc đầu tư mua sắm, lắp đặt các trò chơi, địa điểm chơi đều tính toán đơn giản, qua loa.

Với cách làm nặng về lợi nhuận, "ăn xổi", việc kinh doanh sân chơi tự phát, nhỏ lẻ đang bộc lộ nhiều điểm thiếu an toàn. Nhiều sân chơi tận dụng mua lại các trò chơi cũ kỹ, quá hạn sử dụng rồi sơn phết, sửa chữa lại cho "bắt mắt" đưa vào kinh doanh. Dù khách hàng là những em nhỏ còn hạn chế về nhận thức và hành vi phòng vệ, nhưng việc lắp đặt, bảo quản các trò chơi ở các sân chơi tự phát nhỏ lẻ là khá cẩu thả và sơ sài. Tại một điểm vui chơi trên đường Hiệp Bình Chánh (quận 12), những con thú nhún được rất nhiều em nhỏ thích thú lại chỉ được lắp đặt qua loa trên nền đất; đường ray của trò chơi xe điện thường rung lắc mỗi khi chở theo "hành khách". Điểm vui chơi Thiện Mỹ nằm trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) cũng ở tình trạng không khá gì hơn. Các trò chơi nằm trơ trọi giữa nắng mưa, không che chắn bảo quản, hệ thống đường dây điện loằng ngoằng không an toàn; mặt sân chơi thì lổn nhổn đá dăm...

Anh Thiện, chủ một điểm vui chơi nằm ở gần chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) cho biết, khi mở sân chơi, anh có đăng ký kinh doanh ở phường nhưng việc mua sắm, lắp đặt các trò chơi đều do anh chủ động, cũng chẳng có ai đến kiểm tra độ an toàn của các trò chơi.

Việc đưa con em mình tới chơi ở các sân chơi tự phát, nhỏ lẻ cũng là chuyện... cực chẳng đã của các bậc phụ huynh. Chị Lê Thị Chi ở huyện Bình Chánh tâm sự: Nhiều khi cũng thấy ái ngại về độ an toàn của loại sân chơi này, nhưng thấy con háo hức, thích thú và tụi nhỏ cũng thiếu chỗ chơi nên đành chiều theo ý con mỗi tuần vài bận. Cách đây hai tháng, chị Phương, nhà ở quận 9 đã bị một phen "hú hồn" khi đưa con tới chơi ở một sân chơi tự phát gần nhà. Con trai chị đang mê tít với trò tàu điện thì bỗng dưng toa tàu trật bánh, hất văng cậu bé xuống đất, may mà chỉ bị trầy xước nhẹ.

Phần lớn các sân chơi tự phát, nhỏ lẻ là không hề có quy định nào về an toàn cho khách. Vé bán vào chơi các trò chơi cũng không thể hiện trách nhiệm của chủ sân chơi đối với khách. Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh cần cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng khi cho con em đến vui chơi tại các điểm kinh doanh trò chơi nhỏ lẻ, tự phát...