Thiết kế đô thị là yêu cầu bức thiết

Nhằm chấn chỉnh hoạt động xây dựng, tạo cảnh quan đồng bộ, hài hòa hai bên tuyến phố, tạo lập đô thị văn minh, hiện đại, những năm gần đây, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường ở nhiều tuyến phố trên địa bàn các quận.

Cuối tháng 7 vừa qua, UBND thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 3270/QÐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Tôn Thất Tùng kéo dài (quận Thanh Xuân), tỷ lệ 1/500 (đoạn từ vành đai 2 đến vành đai 2,5). Ðây là tuyến đường cấp đô thị, có chiều rộng khoảng 30 m.

Với tuyến phố này, khi xây dựng, chỉnh trang sẽ kết hợp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bên tuyến đường, các nút giao thông, tạo bộ mặt kiến trúc đẹp, văn minh. Cùng với đó, xác định các quỹ đất không đủ điều kiện xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) để xử lý theo quy định. Mầu sắc công trình chủ đạo trên toàn tuyến phố theo tông mầu sáng, bảo đảm phù hợp văn hóa, cảnh quan khu vực lân cận. Công trình nhà ở xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ, nhằm bảo đảm tính liên tục, thống nhất trên tuyến phố; công trình có khoảng lùi so với chỉ giới, phải thiết kế tường rào thoáng. Tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ không dây để hạn chế ảnh hưởng mỹ quan đô thị, bảo đảm yêu cầu về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến phố. Các công trình điểm nhấn (bao gồm các cụm công trình gần nút giao với vành đai 2 và vành đai 2,5) tổ chức không gian mở; bố cục vườn hoa, cây xanh thiết kế hợp lý trên cơ sở lựa chọn loại cây trồng phù hợp đô thị...

Việc thiết kế đô thị hai bên tuyến đường là yêu cầu bức thiết trước vấn đề đô thị hóa. Bởi tình trạng xây dựng “xôi đỗ” trong cả một thời gian dài đã khiến rất nhiều tuyến phố của Hà Nội trở nên xấu xí. Cách đây bảy năm, tuyến đường Trần Phú - Kim Mã đã có đồ án thiết kế đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan. Nhờ đó đến nay, cơ bản tuyến phố được chỉnh trang, không để xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Trật tự đô thị hai bên đường cũng có chuyển biến. Tuy nhiên, cũng có những tuyến phố được triển khai rất chậm, như phố Thái Thịnh. Ðến nay, đã hơn ba năm kể từ khi phê duyệt thiết kế đô thị hai bên tuyến phố và phương án thiết kế cũng đã có, song vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân do khi đưa đồ án vào triển khai thực tế gặp nhiều khó khăn vì hệ thống hạ tầng xuống cấp, chưa bố trí được phương án tái định cư và kinh phí thực hiện đồ án. Một vấn đề nữa cần khắc phục là tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Nhiều tuyến đường mới xây dựng mới, hoặc được cải tạo, mở rộng đều xuất hiện nhà loại nhà này. Như tại đường Phạm Văn Ðồng, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Sau khi giải phóng mặt bằng xong, trên tuyến xuất hiện một số nhà siêu mỏng, siêu méo trong tổng số 72 trường hợp diện tích đất còn lại không đủ điều kiện mặt bằng để xây dựng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng được các tuyến đường đồng bộ, văn minh, việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị bắt buộc phải thực hiện trước khi phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường. Trong quá trình triển khai, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch thì chắc chắn các tuyến phố sẽ đẹp, khang trang hơn. TS, KTS Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh: Không thể chỉ chú trọng việc mở đường, mà phải quan tâm tới quy hoạch hai bên đường, quy hoạch cảnh quan, như vậy Thủ đô mới khang trang hiện đại.