Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS

NDO- Cao Sơn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Bạch Thông nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung . Thế nhưng, những ngày này, sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã được minh chứng bằng hành động cụ thể, xứng đáng là điểm mới để những thôn, bản vùng cao khác học tập.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Cao Sơn ra quân tổng vệ sinh thôn, bản.
Người dân xã Cao Sơn ra quân tổng vệ sinh thôn, bản.

Phần lớn người dân của xã Cao Sơn là đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Nùng do đó công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở xã vùng cao này vì thế cũng gian khó gấp bội. Trong đó, việc thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại, tập quán sản xuất lạc hậu của người dân là điều gian nan nhất.

Nhiều lần đến huyện Bạch Thông, chúng tôi thấu hiểu sự gian khó của những xã vùng cao nơi đây. Đâu đó vẫn còn chuyện không muốn thoát nghèo, sự trông chờ ỷ lại khi tập quán sản xuất vẫn còn lạc hậu.

Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS ảnh 1
Đá xếp hàng rào được người dân vận chuyển về thôn.

Cách đây vài năm, mỗi năm xã Cao Sơn được giao chỉ tiêu thu ngân sách hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, có những năm xã không hoàn thành chỉ tiêu này, vì cả xã chỉ có duy nhất một cơ sở dịch vụ là một quán bánh cuốn sáng.

Bí thư Huyện ủy Bạch Thông Đỗ Thị Hiền trăn trở, những cách sản xuất manh mún, thiếu hiệu quả như những “hàng rào” ngăn trở sự phát triển, thay đổi của Cao Sơn. Huyện Bạch Thông có những xã đi đầu cả tỉnh về trồng cây ăn quả, xây dựng nông thôn mới, nhưng lại cũng có những xã khó khăn như Cao Sơn là điều bất hợp lý và cần phải được thay đổi.

Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS ảnh 2
Một vị trí chuồng trại chăn nuôi được di dời nhường chỗ cho xây dựng hàng rào đá.

Ngay từ sáng sớm, trong cái rét đầu đông, sương bảng lảng quanh ngõ, người dân thôn Thôm Khoan đã nô nức gọi nhau đi xếp hàng rào đá trong đường thôn. Ngay đoạn đầu đường lên nhà họp thôn, khi thấy hàng rào đá sẽ vướng vào đất của mình, ông Trương Văn Trung lập tức quyết định hiến một phần đất để thôn thi công đường.

Ở Cao Sơn, đá núi rất nhiều vì bao bọc quanh các thôn, bản đều là rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để chở đá về xếp hàng rào là hết sức kỳ công. Sau khi được sự đồng ý của kiểm lâm, trong cả tuần qua, bà con trong thôn đã cùng nhau lên bìa rừng cách thôn hơn 3km để nhặt từng phiến đá rời. Đá chọn xong chở bằng máy nông nghiệp về tập kết tại đường thôn.

Chị Hoàng Thị Dạ, thôn Thôm Khoan vui vẻ cho biết, xếp hàng rào đá là việc mới, khá vất vả, nhưng công trình không chỉ chắc chắn mà còn làm đẹp đường thôn rất lâu dài. Người dân trong bản ai cũng đồng lòng.

Chuyện cái hàng rào ở Cao Sơn tưởng như đơn giản, nhưng lại là một bước chuyển trong tư duy, nhận thức của người dân nơi đây. Bí thư chi bộ thôn Thôm Khoan Hoàng Văn Chức chia sẻ, phần lớn người dân nơi đây có gốc gác di cư từ Cao Bằng, vốn là nơi có truyền thống xếp hàng rào đá quanh nhà. Tuy nhiên, ở Thôm Khoan chưa bao giờ làm việc này. Thay vì hàng rào đá thì mấy chục năm qua, nhà nào cũng để chuồng trại chăn nuôi sát nhà gây ô nhiễm.

Từ công tác dân vận của Huyện ủy, chỉ đạo từ chính quyền xã, đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Sơn đã quyết tâm thay đổi cách bảo vệ môi trường. Thôn Thôm Khoan đưa việc tổng vệ sinh thôn 3 lần/tháng vào hương ước, quy ước.

Đặc biệt nhất là chỉ trong khoảng hai tuần lễ, hơn 20 chuồng trại chăn nuôi sát vách nhà đã được người dân di dời sang nơi xa. Từ những vị trí chuồng trại chăn nuôi cũ vốn gây ô nhiễm môi trưởng nay mọc lên những vườn rau xanh tốt, khóm hoa rực rỡ.

Bà Trương Thị Sính, thôn Thôm Khoan vui vẻ cho biết, đây là lần đầu tiên bà con cùng chung sức xây dựng, làm đẹp cho thôn. Dù vất vả, nhưng ai cũng phấn khởi khi đã hiểu rằng làm sạch, đẹp cho thôn cũng chính là giữ gìn môi trường sống cho từng gia đình.

Những vị trí này cũng được người dân cải tạo để xây dựng những hàng rào đá. Thôm Khoan còn đặt quyết tâm sau khi làm hàng rào đá, từng nhà trong thôn sẽ dựng cổng đá và lợp ngói âm dương trong thời gian tới.

Cũng ngay từ sáng sớm, các cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên của Ban Chỉ huy quân sự huyện và Huyện đoàn cũng đã có mặt ở Cao Sơn để giúp người dân các thôn làm vệ sinh, xây dựng hàng rào đá.

Thượng tá, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Bạch Thông, Ma Tuấn Hiệp nhớ lại, trước đây, khi chọn địa điểm diễn tập tại Cao Sơn, chúng tôi thấy, hầu hết các thôn, bản nơi đây đều có tình trạng ô nhiễm môi trường vì hệ thống chuồng trại sát vách nhà, thậm chí dưới sàn nhà. Điều này ăn sâu vào tiềm thức, tập quán sản xuất của người dân.

Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS ảnh 3
Lãnh đạo huyện Bạch Thông hướng dẫn người dân cách thức xếp đá xây dựng hàng rào.

Quyết tâm thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số, để bà con nhận thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn minh phải bắt đầu từ những điều cụ thể, Huyện ủy Bạch Thông đã trực tiếp xuống xã Cao Sơn. Không phải không có ý kiến trái chiều, khi ngay cả chính quyền xã ban đầu cũng ngại ngần, chỉ dám ra nghị quyết với mục tiêu mỗi năm di dời một số lượng chuồng trại chăn nuôi nhất định. Tuy nhiên, với sự thống nhất cao, việc di dời và xây dựng hàng rào đá đã được chỉ đạo quyết liệt và lần đầu tiên ở xã vùng cao này người dân ra quân thay đổi những điều vốn đã ăn sâu, bám rễ trong tâm tưởng.

Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS ảnh 4
Người dân thôn Thôm Khoan chung tay bê từng viên đá xếp hàng rào.

Trực tiếp xuống thôn cùng người dân cuốc đất, bê đá, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông Đỗ Thị Hiền chia sẻ, chuyện ở Cao Sơn còn phổ biến ở nhiều xã khác. Với việc chung sức cùng dân Cao Sơn, Huyện ủy kỳ vọng và sẽ nỗ lực khơi dậy cách làm tương tự ở tất cả các thôn, bản vùng cao khác trong huyện. Từ đó, để người dân thay đổi nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường, cách thức sản xuất để xây dựng nông thôn mới đúng thực chất.

Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS ảnh 5
Lao động vất vả nhưng người dân đều phấn khởi khi nhận thức được ý nghĩa, hiệu quả từ thay đổi tư duy, nhận thức.

Cao Sơn giờ đã đổi thay với nhiều tuyến đường nội thôn được Nhà nước hỗ trợ bê-tông hóa. Các thôn, bản cũng được hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng đặc dụng. Những mét hàng rào đá đầu tiên bao quanh những mái nhà nơi đây đã hình thành. Không còn những chuồng trại chăn nuôi ô nhiễm quanh nhà nữa. Thôn, bản ở Cao Sơn đã và đang thay đổi diện mạo nhờ đổi thay trong tư duy, nhận thức của người dân.

Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS ảnh 6
Những mét hàng rào đá đầu tiên ở Thôm Khoan.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cao Sơn Đặng Thị Hằng nhận định, trước năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 50%, thì nay đã giảm xuống còn hơn 30%. Những năm trước, thu ngân sách của xã chỉ hơn 3 triệu đồng thì nay đã gần tiệm cận con số 20 triệu đồng. Từ chỗ chỉ làm ruộng, nuôi lợn, nay bà con đã trồng dong riềng, chăn nuôi trâu, bò, trồng thuốc lá, trồng lạc đỏ…

Những con số này nếu so với những địa phương khác là quá nhỏ, nhưng là một bước tiến đối với Cao Sơn- một xã thuộc diện khó khăn, xa xôi nhất của huyện Bạch Thông. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong xã chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi, trong khi rừng đặc dụng chiếm phần lớn diện tích tự nhiên.

Điểm đặc biệt là dù khó khăn nhưng đồng bào đã có những bước chuyển về nhận thức. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Cho đến nay, Cao Sơn vẫn là xã duy nhất của tỉnh Bắc Kạn không có tệ nạn ma túy. Những nét thay đổi trong nhận thức, tập quán sản xuất của người dân nơi đây là điều đáng ghi nhận và cần được nhân rộng ra những thôn, bản khó khăn khác của tỉnh Bắc Kạn.