Nỗ lực tăng mảng xanh ở vùng ven
Nằm ở khu vực nội ô thành phố, hầu hết công viên lớn như Công viên Tao Ðàn, 23/9, Gia Ðịnh... đều hình thành từ rất lâu, là những địa điểm quen thuộc để người dân đến vui chơi, tập thể dục, sinh hoạt cộng đồng. Diện tích mảng xanh tại các công viên này gần như ổn định, không gia tăng và phát triển thêm cho nên không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng không gian công cộng, trong đó có mảng xanh của hàng triệu người dân khu vực đô thị.
Trong lúc đó, tại các khu vực vùng ven, nhất là các khu vực đô thị hóa, dù quỹ đất dồi dào hơn, nhưng những công viên hình thành mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng không tuân thủ quy hoạch tại các dự án nhà ở cũng như thực hiện chỉ tiêu phát triển mảng xanh chính là nguyên nhân khiến mảng xanh ở các khu dân cư chậm đầu tư phát triển.
Cuối năm 2023, một công viên mới hình thành trên khu đất rộng 3 ha, thuộc Dự án khu dân cư Vĩnh Lộc (110 ha), phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt khu dân cư này.
Bà Nguyễn Thị Hào trú phường Bình Hưng Hòa cho biết: "Công viên hình thành rất cần thiết với người dân vùng ven. Cứ mỗi chiều tôi đều chở cháu đến công viên này chơi vì không gian ở đây thoáng mát, yên tĩnh, lại có chỗ cho trẻ em hoạt động. Công viên này ngoài mảng xanh phủ kín, còn có các dụng cụ để vui chơi cho thiếu nhi và một hồ nước tự nhiên làm cho không gian thêm mát mẻ và dễ chịu".
Theo Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, chỉ tiêu mảng xanh tại dự án này đã có khi Dự án Khu dân cư Vĩnh Lộc được phê duyệt nhưng chủ đầu tư không tuân thủ, dự án thực hiện đã gần chục năm nay mà công viên giờ mới hình thành. Nơi đây được xem là công viên có quy mô lớn nhất quận Bình Tân, nhằm thực hiện chương trình về phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng đô thị trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025.
Nằm ở phía bắc thành phố, huyện Hóc Môn cũng "khát" mảng xanh, nhất là các công viên công cộng, chỗ vui chơi giải trí cho người dân địa phương. Trên cơ sở khu đất công do quận quản lý, tháng 5/2023, huyện Hóc Môn đã đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động Công viên du lịch sinh thái đầu tiên ở huyện, phục vụ miễn phí cho người dân.
Công viên tọa lạc tại xã Xuân Thới Thượng, có diện tích 6 ha, theo mô hình du lịch sinh thái, trong đó có 1 ha cây xanh. Công trình có kinh phí đầu tư 70 tỷ đồng từ ngân sách huyện. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn cho biết, trong bối cảnh huyện đang rất thiếu công viên thì công viên này giúp tăng thêm mảng xanh cho người dân ngoại thành, qua đó khai thác quỹ đất hiệu quả, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân.
Rà soát, sử dụng đất công làm công viên công cộng
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân Vũ Chí Kiên cho biết: Chương trình phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng đô thị trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được xem là mục tiêu góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Sau nhiều năm phấn đấu thực hiện, quận Bình Tân đã đưa chín công viên, mảng xanh vào sử dụng với diện tích gần 10 ha, đạt 99,69% so với chỉ tiêu đề ra. Quận phấn đấu đến năm 2030 đưa thêm ít nhất 50 ha công viên cây xanh vào sử dụng.
Dù vậy, đồng chí Vũ Chí Kiên cho biết, thực tế việc đầu tư, bàn giao công viên cây xanh, công trình công cộng trong các dự án nhà ở để bàn giao Nhà nước quản lý còn chậm thực hiện.
Nhiều địa phương khác phản ánh, tại một số dự án nhà ở đã được đầu tư trước đây nhưng chưa bàn giao, không có hồ sơ nghiệm thu cho nên địa phương khó "đòi" mảng xanh cho các khu dân cư. Ngoài ra, một số dự án còn vướng các thủ tục pháp lý về thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa đầu tư xây dựng các hạng mục công trình công cộng để đưa vào sử dụng theo đúng quy hoạch được duyệt là nguyên nhân khiến công tác đầu tư phát triển mảng xanh thực hiện rất chậm.
Theo Sở Xây dựng thành phố, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố là kinh phí để đầu tư xây dựng công viên. Quyết định số 2198 ngày 17/6/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2025, đặt ra chỉ tiêu tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng - tương đương 0,65 m²/người (quy mô dân số ước tính 10 triệu người) thì cần tối thiểu 9.011 tỷ đồng để thực hiện 54 dự án.
Tuy nhiên, đến nay mới có 8 dự án hoàn thiện và trình đề xuất chủ trương đầu tư. Trong số 8 dự án này, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 4 dự án với tổng kinh phí 1.590 tỷ đồng. Một con số quá nhỏ so với kế hoạch thành phố ban hành, trong khi tốc độ tăng dân số và mật độ nhà ở hình thành ngày càng tăng.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Ðặng Phú Thành cho biết, để tập trung phát triển mảng xanh trong thời gian tới, Sở Xây dựng yêu cầu ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức làm việc cùng các chủ đầu tư để yêu cầu các chủ đầu tư sớm xây dựng, hoàn chỉnh toàn bộ các công viên, cây xanh trong dự án đúng theo quy mô trong đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500. Sau khi hoàn tất việc xây dựng, hướng dẫn các chủ đầu tư các thủ tục bàn giao đưa vào quản lý theo quy định. Ngoài ra, các địa phương rà soát, thu hồi việc sử dụng, cho thuê các khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch là đất công viên, qua đó báo cáo, đề xuất về Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kế hoạch thu hồi các khu đất này để có kế hoạch đầu tư, xây dựng công viên mới.