Để đạt được điều đó là do nhân dân tập trung gieo sạ theo khung lịch thời vụ khuyến cáo nhằm giảm nhẹ thiệt hại do dịch bệnh, ảnh hưởng lũ gây ra và né tránh hạn mặn…
Giá lúa tăng, nông dân phấn khởi
Theo các địa phương, vụ sản xuất năm 2023 đạt thắng lợi kép do lúa trúng mùa, được giá. Có thời điểm, ở một số địa phương lúa được bán với giá từ 7.600 đến 9.200 đồng/kg, tùy từng loại thóc giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa năm 2023 ước khu vực này gieo sạ khoảng 3,816 triệu ha, tăng 13,18 nghìn ha, năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2022.
Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, vụ lúa năm 2023, trên địa bàn gieo sạ khoảng 216.215 ha. Trong đó, vụ đông xuân xuống giống 75.028 ha, năng suất đạt 74,91 tạ/ha, cao hơn 0,54 tạ/ha so với cùng kỳ. Đặc biệt, giá lúa tươi trong vụ đông xuân trung bình được bán từ 6.282 đến 7.375 đồng/kg tăng 20%, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 30 đến 52%.
Trong đó, vụ đông xuân 2022-2023 toàn vùng gieo sạ 1,478 triệu ha, năng suất 72,20 tạ/ha, tăng 1,37 tạ/ha, sản lượng 10,676 triệu tấn, tăng hai nghìn tấn. Vụ hè thu diện tích gieo sạ 1,476 triệu ha, sản lượng 8,497 triệu tấn, tăng 130 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Vụ lúa năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bà con nông dân gieo sạ khoảng 496.736 ha, tăng 14.590 ha so với năm trước, năng suất bình quân ước đạt 67 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 3,33 triệu tấn. Do giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2023 giảm từ 47 đến 254 đồng/kg, trong khi đó giá bán tăng cao bởi thị trường xuất khẩu thuận lợi nên lợi nhuận bình quân đạt được từ 23 đến 27 triệu đồng/ha, cao hơn 7,9 đến 13,6 triệu đồng/ha so với cùng kỳ.
Nông dân xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thu hoạch lúa. (Ảnh: Hữu Nghĩa). |
Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng cho biết: “Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa năm 2023 ước khu vực này gieo sạ khoảng 3,816 triệu ha, tăng 13,18 nghìn ha, năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2022”.
Trong đó, vụ đông xuân 2022-2023 toàn vùng gieo sạ 1,478 triệu ha, năng suất 72,20 tạ/ha, tăng 1,37 tạ/ha, sản lượng 10,676 triệu tấn, tăng hai nghìn tấn. Vụ hè thu diện tích gieo sạ 1,476 triệu ha, sản lượng 8,497 triệu tấn, tăng 130 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Để làm đạt được kết quả trên, các cơ quan chuyên môn và địa phương thường xuyên cập nhật tình hình nguồn nước cho sản xuất; khuyến cáo cơ cấu các giống lúa có khả năng chống chịu hạn hán, xâm nhập mặn và hướng dẫn quy trình canh tác lúa trong tình hình hạn, mặn.
Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất kịp thời, có phương án cụ thể cho từng vùng, rà soát và thực hiện thời vụ linh hoạt, thích ứng với cơ cấu hai vụ và ba vụ lúa.
Mặt khác, nhận thức của người nông dân về sử dụng giống tốt và trình độ đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Thúc đẩy sản xuất theo cánh đồng lớn
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng trọng điểm của cả nước. Từ nhiều năm qua, chính quyền địa phương và bà con nông dân trong vùng đã quan tâm thực hiện sản xuất lúa theo cánh đồng lớn.
Lũy kế đến nay, tỉnh Bạc Liêu có 92 cánh đồng lớn với diện tích canh tác 28.310 ha. Theo đánh giá, lúa trong cánh đồng lớn có liên kết, doanh nghiệp thu mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Phó Cục trưởng Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, hiện nay thực hiện cánh đồng lớn trong sản xuất lúa, diện tích liên kết sản xuất mỗi vụ ở khu vực này khoảng 150 đến 200 nghìn ha. Thông qua liên kết mang lại nhiều lợi ích cho cả người trồng lúa và doanh nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 92 cánh đồng lớn với diện tích canh tác 28.310 ha. Theo đánh giá, lúa trong cánh đồng lớn có liên kết, doanh nghiệp thu mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Hữu Nghĩa). |
Trên địa bàn thành phố Cần Thơ, hằng vụ duy trì và thực hiện 140 mô hình cánh đồng lớn diện tích 36.075 ha với 23.232 hộ tham gia. Trong số này có 53% diện tích với 19.288 ha liên kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 50 đến 150 đồng/kg. Từ đó giúp nhân dân có lợi nhuận tăng thêm từ 1,2 đến 2,8 triệu đồng/ha.
Sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong vụ đông xuân 2023-2024
Theo đánh giá của Cục Thủy lợi, khả năng xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm, một số thời điểm tương đương năm 2015-2016 và 2019-2020.
Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông xuân 2023-2024, vùng đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch gieo sạ 1,475 triệu ha, phấn đấu năng suất đạt 72,24 tạ/ha và sản lượng 10,655 triệu tấn.
Cũng theo Cục Thủy lợi, nếu trường hợp xâm nhập mặn như năm 2015-2016, vụ đông xuân 2023-2024 tại vùng ven biển có khả năng xảy ra thiếu nước, ảnh hưởng khoảng 66.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó: Long An 5.600 ha, Tiền Giang 13.000 ha, Bến Tre 12.000 ha, Trà Vinh 15.000 ha, Sóc Trăng 20.000 ha.
Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông xuân 2023-2024, vùng đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch gieo sạ 1,475 triệu ha, phấn đấu năng suất đạt 72,24 tạ/ha và sản lượng 10,655 triệu tấn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, vụ đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ khoảng 225,1 nghìn ha, phấn đấu năng suất đạt 68 tạ/ha, sản lượng hơn 1,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong vụ sản xuất này ở một số nơi khả năng lúa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn do thiếu hụt nguồn nước ngọt. Vì vậy, đối với các huyện phía nam của tỉnh cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn; chủ động chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.
Để bảo đảm sản xuất vụ lúa đông xuân 2023-2024 đạt kết quả cao, các địa phương cần nạo vét kênh mương nội đồng; củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt; sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm rò rỉ, tăng trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng.
Đồng thời, bà con nông dân cần tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo và thực hiện xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng. Các địa phương khuyến cáo nhân dân sử dụng các giống lúa chống chịu được hạn, mặn, phèn ở những vùng có nguy cơ xâm nhập mặn và hạn hán vào cuối vụ.
Các đơn vị liên quan trực thuộc bộ và địa phương vận động nhân dân xuống giống theo khung thời vụ, đặc biệt những diện tích xuống giống sớm ở các vùng ven biển để tránh hạn, mặn có thể xảy ra.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung
Về vấn đề này, Cục Thủy lợi lưu ý, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản có khả năng xảy ra để chủ động triển khai các giải pháp phù hợp.
Thường xuyên kiểm kê nguồn nước, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho rằng, các đơn vị liên quan trực thuộc bộ và địa phương vận động nhân dân xuống giống theo khung thời vụ, đặc biệt những diện tích xuống giống sớm ở các vùng ven biển để tránh hạn, mặn có thể xảy ra; tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống thủy lợi, có phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời các địa phương có kế hoạch điều tiết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm phục vụ tốt cho sản xuất; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây ra diện rộng...