Các địa phương cần tăng cường nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích gieo trồng

NDO - Ngày 31/10, tại thành phố Quảng Ngãi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ đạt tổng sản lượng thóc ước 6,2 triệu tấn, tăng 130 nghìn tấn so với năm 2022.
Năm 2023, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ đạt tổng sản lượng thóc ước 6,2 triệu tấn, tăng 130 nghìn tấn so với năm 2022.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2023, tổng diện tích gieo trồng lúa vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ ước đạt hơn 1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 60,24 tạ/ha, tăng 1,33 tạ/ha và sản lượng ước 6,2 triệu tấn thóc, tăng 130 nghìn tấn so với năm 2022.

Toàn vùng đã chuyển đổi khoảng 19.751ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, chuyển sang trồng khoai lang Nhật, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 170-180 triệu đồng/ha/vụ; chuyển sang trồng dưa hấu, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 200 -220 triệu đồng/ha; chuyển sang trồng thuốc lá, lợi nhuận thu được khoảng 50-60 triệu đồng/ha; chuyển sang trồng ngô sinh khối, lợi nhuận thu được khoảng 25-30 triệu đồng/ha...

Các địa phương cần tăng cường nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích gieo trồng ảnh 1

Lãnh đạo Cục Trồng trọt báo cáo tình hình sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Đối với lĩnh vực cây công nghiệp và cây ăn quả, toàn vùng duy trì diện tích hiện có, nhất là cây công nghiệp lớn như cà-phê, hồ tiêu, cao-su, điều; sản lượng tăng 1-2% so với năm 2022. Đặc biệt, các chương trình liên quan đến tái canh cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên thực hiện khá tốt.

Điểm đáng ghi nhận, các tỉnh Tây Nguyên hiện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nhất là cây ăn trái, cây công nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để từng bước hình thành vùng sản xuất lớn và tạo ra những sản phẩm đồng đều, chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu với sản lượng cao nhất ở các thị trường khó tính.

Các địa phương cần tăng cường nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích gieo trồng ảnh 2

Quang cảnh hội nghị.

Trên lĩnh vực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời gian qua, các địa phương đã triển khai áp dụng khá hiệu quả trên từng loại cây trồng, như: mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa; quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap); quy trình sử dụng các loại vật tư theo hướng tiết kiệm đầu vào, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân…

Ngoài việc sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước, hầu hết các địa phương cũng đã định hướng cho xuất khẩu như tổ chức kiểm tra, thanh tra và phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã cùng người dân cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng các điều kiện xuất khẩu nông sản.

Các địa phương cần tăng cường nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích gieo trồng ảnh 3

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương trình bày tham luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá những khó khăn, hạn chế cần khắc phục; đồng thời nêu lên những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 thắng lợi.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn vùng gieo sạ 406 nghìn ha lúa; năng suất phấn đấu bình quân 65,70 tạ/ha, tăng 0,27 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2,67 triệu tấn thóc, tăng 0,27 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2022-2023.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Cục Trồng trọt đưa ra các khuyến cáo cụ thể cho từng vùng về lịch thời vụ, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác tiên tiến; việc quản lý tốt nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả..

Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, cần cơ cấu cây trồng hợp lý, có lợi thế cạnh tranh từng vùng sinh thái; sử dụng giống phù hợp với thị trường, có tính chống chịu và đầu tư thâm canh hợp lý có năng suất, hiệu quả cao.

Đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả, cần tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất; tăng cường đầu tư, chăm sóc; liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; trồng mới và tái canh; liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hướng cánh đồng lớn.

Các địa phương cần tăng cường nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích gieo trồng ảnh 4
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ là vùng rất quan trọng của ngành nông nghiệp, 90% cây công nghiệp chủ lực của cả nước đều ở vùng này. Do vậy, kết quả sản xuất của toàn vùng đạt được rất có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đối với kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đề nghị các địa phương phải chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất cụ thể của địa phương mình; đồng thời căn cứ vào các dự báo thời tiết của cơ quan thủy văn và sát cánh cùng các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có kịch bản ứng phó cụ thể; nắm chắc các các giải pháp kỹ thuật để hướng dẫn bà con nông dân áp dụng hiệu quả.

“Các địa phương cần tăng cường nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích gieo trồng. Trong đó, chú trọng việc áp dụng các quy trình giảm chi phí đầu vào và tiếp tục đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ngày một nhiều hơn, có chương trình thanh tra, kiểm tra giám sát để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mang tính bền vững”, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhấn mạnh, đồng thời lưu ý các địa phương phải quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào, nhất là chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm giá cả hợp lý, tránh người dân mua vật tư đầu vào kém chất lượng, gây thiệt hại kinh tế.