Cơ giới hóa sản xuất lúa ở nam đồng bằng sông Hồng

Với lợi thế là vùng thâm canh sản xuất lúa, lúa đặc sản, có thị trường tại chỗ lớn, dân trí cao, cơ sở hạ tầng phát triển, các tỉnh khu vực phía nam đồng bằng sông Hồng (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình) xác định: Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa là một nội dung quan trọng trong triển khai nhiệm vụ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Khâu làm đất và thu hoạch lúa tại xã Bình Định (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được cơ giới hóa 100%.
Khâu làm đất và thu hoạch lúa tại xã Bình Định (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được cơ giới hóa 100%.

Bài 1: Hướng đi tất yếu

Những cánh đồng lớn và sự liên kết trong sản xuất lúa tại các tỉnh nam đồng bằng sông Hồng đã từng bước được hình thành tạo nên mô hình sản xuất với chuỗi giá trị gia tăng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng gặp phải khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; lao động thiếu hụt nhất là vào thời vụ gieo trồng và thu hoạch do sự chuyển dịch của một bộ phận nông dân ra thành thị và các khu công nghiệp. Vì vậy, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để phát huy những lợi thế, khắc phục khó khăn là một đòi hỏi tất yếu.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa còn góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo dòng sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt có hiệu quả rõ rệt trong cải thiện môi trường đồng ruộng.

Giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân

Tỉnh Hà Nam xác định, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành chìa khóa để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng.

Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam chia sẻ: Chỉ tính khâu cấy lúa bằng máy, theo mặt bằng chung duy trì ở mức 300 nghìn đồng/sào (tính cả tiền giống), trong khi thuê lao động thủ công ở mức bình quân 350 nghìn đồng/ngày công, nơi cao lên đến 400-450 nghìn đồng/ngày. Còn sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, nếu phun thủ công khoảng 35 nghìn đồng/sào.

Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Khi máy móc được đưa vào giúp hình thành cánh đồng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Từ việc giảm chi phí sản xuất khi sử dụng máy móc cơ giới, sẽ nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với làm thủ công trước đây.

Bà Trần Thị Hòa, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm cho biết: “Nhà có 5 nhân khẩu, nhưng các cháu lớn đi làm công nhân cả, vợ chồng tôi năm nay cũng gần 70 tuổi rồi, mỗi vụ nhà tôi vẫn cấy hơn một mẫu ruộng, nhưng bây giờ tôi nhàn lắm. Chúng tôi chỉ việc nhận và kiểm tra ruộng nhà mình khi máy đã cấy xong. Ruộng được cấy máy cũng rất thuận tiện cho việc chăm sóc sau này, vì lúa cấy đều cây và thẳng hàng, khoảng cách đều tăm tắp, các biên độ phù hợp thuận lợi cho việc chăm bón và phòng trừ sâu bệnh. Nông dân ở Hà Nam bây giờ đã trở nên quen thuộc với máy cấy, máy cày, máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật và máy gặt.

Trong những năm qua, cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở Thái Bình đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, hiệu quả thu được từ cây lúa cao hơn, lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích tăng hơn so với sản xuất thủ công. Nhiều khâu đạt tỷ lệ cơ giới hóa 100% như khâu làm đất, tưới nước…

Do được cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nên chi phí cho các khâu gặt lúa của Thái Bình giảm từ hơn 2,1 đến 2,7 triệu đồng/ha; khâu gieo trồng giảm từ 2,7 đến 3,2 triệu đồng/ha; khâu làm đất giảm từ 1,2 đến 2,1 triệu đồng/ha. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy cũng khẳng định: Thực hiện cơ giới hoá không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động.

Đặc biệt, khi thực hiện mô hình sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, khắc phục tình trạng bỏ ruộng. Giảm nhẹ sức lao động, chuyển lao động từ làm nông nghiệp sang làm tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, nhưng vẫn bảo đảm duy trì sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm lương thực vẫn tăng.

Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, giảm sức lao động, làm thay đổi tư duy, phương thức canh tác thủ công của người nông dân. Từ khâu gieo mạ, sử dụng giàn máy gieo tự động giúp đơn giản hóa hoạt động, dễ chăm sóc, thuận tiện cho việc quản lý, bảo vệ mạ khi thời tiết không thuận lợi so với gieo mạ truyền thống. Phương pháp này còn giúp tiết kiệm tối đa lượng giống cần gieo (giảm 25-30% so với gieo mạ truyền thống), tiết kiệm tối đa thời gian và công lao động.

Khắc phục tình trạng lúa cỏ, phục hồi và cải tạo môi trường

Cánh đồng lúa Xác Tiên đang vào “thì con gái” với một mầu xanh đồng quê đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nam Thành, xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình) Trịnh Quốc Quân vui vẻ cho biết, trước đây mỗi vụ lúa, chúng tôi phải sử dụng hàng chục nghìn gói thuốc trừ cỏ, trừ sâu để phun cho mỗi mẫu ruộng, nhưng từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì gần như không phải sử dụng đến nữa.

Hiện nay, ở các cánh đồng của xã, các loại “đồ đồng” như: tôm, cua, ốc, ếch đã trở lại nhiều, điều đó cho thấy môi trường đất và nước ở ruộng đã dần sạch trở lại. Các loại “đồ đồng” ấy cũng là nguồn thu phụ cho người dân nơi đây.

Hơn 10 năm về trước, đa số người dân ở các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng chuyển từ cấy tay (cấy thẳng hàng) sang gieo sạ để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, hệ quả cho thấy việc gieo sạ, gieo vãi đã khiến cho lúa cỏ ngày một nhiều, mặt ruộng không thông thoáng, sinh ra nhiều loại sâu bệnh hại, tốc độ lây lan nhanh. Do đó, người dân phải phun một lượng lớn thuốc trừ cỏ, trừ sâu mỗi vụ, điều đó khiến đất ngày một bạc màu, môi sinh bị hủy hoại, môi trường ngày một ô nhiễm.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình Nguyễn Thị Dịu cho biết, việc đưa cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, cấy bằng máy cấy, mạ khay đã dần khắc phục được những bất cập trên một cách rõ rệt: Sản xuất theo kế hoạch, sản xuất cùng thời điểm, đồng giống, đồng trà, gọn vùng, gọn thửa vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa giảm trừ sâu bệnh, cỏ hại lúa và quan trọng nữa là giảm được tối đa sử dụng các loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ gây ô nhiễm cho môi trường nước, môi trường đất.

Vài năm trước đây, tình trạng lúa cỏ xuất hiện và phát triển mạnh trên đồng ruộng ở các tỉnh lên đến hàng nghìn ha mỗi vụ làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa gạo. Vì vậy, việc chuyển đổi biện pháp gieo cấy từ gieo sạ trên chân ruộng bị nhiễm sang cấy máy kết hợp điều tiết nước hợp lý đã hạn chế được cơ bản tình trạng lúa cỏ, giảm thiệt hại đáng kể cho nông dân. Sản lượng thóc hằng năm của các tỉnh những năm gần đây luôn đạt ở mức cao kịch trần. Cụ thể năm 2022, tỉnh Hà Nam đạt sản lượng 363.000 tấn, tỉnh Thái Bình đạt sản lượng trên 1 triệu tấn; tỉnh Nam Định đạt gần 900.000 tấn.

Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành “chìa khóa” để nâng cao giá trị sản xuất. Không chỉ giúp giảm chi phí, cơ giới hóa còn hóa giải được bài toán về lao động cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn (làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...). Đầu tư cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất đã tạo hiệu quả thúc đẩy liên kết trong sản xuất lúa gạo, từng bước mang lại diện mạo mới, sắc khí mới cho nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và công nghệ thông minh vào sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả, giá trị thu nhập của người dân, cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, sự đi đầu và vào cuộc tích cực của các hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sản xuất, dịch vụ nông nghiệp tại các địa phương để xúc tiến liên kết các đơn vị có điều kiện làm dịch vụ và các đơn vị có nhu cầu sử dụng dịch vụ hợp tác hiệu quả và bền vững.

(Còn nữa)