Thời cơ mới cho ngành lúa gạo bứt phá

Nhiều năm nay, Việt Nam luôn là nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Thời gian vừa qua, thị trường gạo thế giới liên tục biến động, tác động mạnh đến sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của nước ta. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất của ngành hàng lúa gạo Việt Nam vẫn là phát triển bền vững hướng tới tăng trưởng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)
Thu hoạch lúa tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Bài 1: Ổn định sản xuất

Thời cơ mới cho ngành lúa gạo bứt phá ảnh 1

Thương lái thu mua lúa ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. (Ảnh HỮU TÙNG)

Trong xu hướng phát triển chung của nền nông nghiệp, ngành lúa gạo cũng đang đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học-công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao. Đồng thời đưa vào triển khai các chương trình sản xuất lúa các-bon thấp, bảo vệ môi trường và sức khỏe nông dân, từng bước thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết.

Năm 2023, tính đến giữa tháng 7, cả nước gieo cấy được gần 6,2 triệu héc-ta lúa. Các địa phương đã thu hoạch gần 3,7 triệu héc-ta, sản lượng đạt hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt 43,2-43,4 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tăng diện tích và sản lượng lúa chất lượng cao

Là một trong những tỉnh trọng điểm lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu hiện có diện tích gieo trồng lúa hơn 198.600 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 1.280.000 tấn. Mấy năm trở lại đây, chính quyền và các hộ nông dân trong tỉnh rất chú trọng mở rộng diện tích các giống lúa có chất lượng gạo ngon, đạt giá trị xuất khẩu cao như ST24, ST25..., mở ra cơ hội xuất khẩu tại nhiều thị trường mới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lưu Hoàng Lý cho biết: Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, đồng thời liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo, hiện nay nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã thay đổi tư duy, năng động, sáng tạo trong việc thâm canh lúa, nhất là các giống lúa chất lượng cao. Tại Bạc Liêu, hiện nay việc liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo theo chuỗi giá trị đạt gần 110.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích gieo trồng với các giống lúa được bao tiêu chủ lực là giống chất lượng cao: Nàng hoa 9, Đài thơm 8, OM5451, RVT, Lộc Trời 1, OM4900, Một bụi đỏ…

Tại Cà Mau, song hành với chuyển giao khoa học-kỹ thuật để cải thiện hơn về năng suất lúa, tỉnh đang tiến hành chuyển đổi giống tại những nơi có điều kiện phù hợp nhằm nâng cao chất lượng gạo, chung tay vào Đề án phát triển 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

"Theo kế hoạch đã đăng ký thì vụ đông xuân 2023-2024, Cà Mau tham gia 4.000 ha canh tác lúa chất lượng cao. Tương tự, niên vụ cả năm 2024 (vụ đông xuân, hè thu và lúa mùa) tổng số là 10.800 ha; năm 2025 là 22.000 ha và năm 2030 là 30.000 ha" - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Quân cho biết.

Theo đó, vùng canh tác lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh của Cà Mau chủ yếu tập trung sản xuất theo quy trình lúa sinh thái, lúa hữu cơ gắn với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chuỗi giá trị trên cùng diện tích. Trong quá trình sản xuất lúa chất lượng cao, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 26 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa-gạo với diện tích hơn 6.600 ha.

Trong đó, lúa hữu cơ hơn 800 ha; lúa an toàn và VietGAP hơn 5.880 ha… với tổng sản lượng tiêu thụ khoảng hơn 29.000 tấn, chiếm khoảng 5,3% sản lượng toàn tỉnh.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Cà Mau, ngày càng có nhiều hợp tác xã đầu tư chuỗi liên kết khép kín từ khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu, bao tiêu thu mua lúa đến sơ chế, xây dựng nhãn hiệu lúa gạo riêng, như: Hợp tác xã Minh Tâm với nhãn hiệu "Gạo Toàn Tâm", Hợp tác xã Phương Quang với nhãn hiệu "Gạo Phương Quang", Hợp tác xã lúa-tôm Trí Lực với nhãn hiệu "Gạo Hoàng Yến", Hợp tác xã Ðoàn Phát với nhãn hiệu "Gạo Từ Tâm"...

Đây cũng là tiền đề thuận lợi để Cà Mau tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong thời gian tới, góp phần tăng sức cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường thế giới.

Cũng trong nỗ lực phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, tỉnh Sóc Trăng hiện có diện tích gieo trồng hơn 332.000 ha, sản lượng hơn 2 triệu tấn/năm, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm tới 91,64%. Một số giống lúa được gieo trồng chủ yếu như: ST, Tài nguyên, RVT, Đài thơm 8...

Diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là 3.416 ha; diện tích lúa duy trì chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP 123 ha. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: Phát huy lợi thế sản xuất lúa gạo trọng điểm của vùng, tỉnh đã triển khai Dự án phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022-2025. Dự án góp phần tạo thành những vùng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho năng suất, chất lượng cao, đồng đều, giá thành sản xuất thấp.

Điều này đã tạo thuận tiện trong việc áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và tạo được vùng nguyên liệu lớn, thúc đẩy sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Ngoài ra còn giải quyết được những khó khăn về công tác giống, duy trì chất lượng giống không bị thoái hóa, bảo đảm chất lượng gạo.

Bảo đảm nguồn cung trong nước và xuất khẩu

Do điều kiện phụ thuộc vào thời tiết, nên tỉnh Cà Mau chỉ sản xuất được nhiều nhất 2 vụ lúa mỗi năm. Hơn 10 năm qua, tỉnh duy trì diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 110.000 ha, tổng sản lượng khoảng 500.000 tấn/năm. Vùng sản xuất lúa ở Cà Mau tập trung tại các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh, Cái Nước và thành phố Cà Mau.

Trong đó, lúa hè thu và đông xuân khoảng 35.000 ha, lúa-tôm khoảng 37.000 ha, lúa mùa khoảng 3.000 ha. Đến đầu tháng 3/2023, Cà Mau thu hoạch dứt điểm các trà lúa đông xuân, lúa-tôm và lúa mùa, tổng sản lượng khoảng 393.000 tấn. Vụ hè thu sắp thu hoạch, với năng suất trung bình ước tính khoảng 4 tấn/ha thì dự kiến, Cà Mau thu về sản lượng lúa thêm được khoảng 153.000 tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhu cầu để ăn, phục vụ chăn nuôi và chế biến tại địa phương mỗi năm chỉ khoảng 200.000-230.000 tấn lúa, phần còn lại hơn 50% lượng lúa mà Cà Mau sản xuất hằng năm được cung ứng phục vụ xuất khẩu qua hệ thống thương lái thu gom với khoảng 70% do các doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua, 30% là do thương lái nhỏ trong tỉnh thu mua.

Để có thêm nguồn lương thực bổ sung phục vụ xuất khẩu, hai năm gần đây, Cà Mau rà soát những nơi có điều kiện phù hợp để mở rộng thêm vùng chuyên canh sản xuất lúa-tôm. Nhờ đó vùng lúa-tôm đã tăng từ khoảng 35.000 ha lên khoảng 37.000 ha như hiện nay. Tại các vùng không còn khả năng tăng về diện tích, Cà Mau chủ trương tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật giúp nhà nông nâng cao năng suất thêm khoảng 0,3 tấn/ha/vụ, nếu thành công thì hằng năm sẽ có thêm sản lượng lúa khoảng 20.000 tấn.

Để tăng cường lượng lúa hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố rà soát lại diện tích xuống giống vụ thu đông 2023. Kết quả, diện tích gieo trồng lúa vụ thu đông 2023 dự kiến xuống giống 120.791 ha (tương ứng tăng 4.791 ha so với kế hoạch và sản lượng ước tăng 27.788 tấn).

Để có nguồn hàng chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tỉnh đã triển khai các giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực theo hướng bền vững, tập trung các nội dung: khuyến khích nông dân nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản; quản lý chặt vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu; nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại.

Khuyến cáo nông dân tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống bằng cách áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bền vững (IPM, 3G3T, 1P5G, SRP,...), quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tương đương, canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa hữu cơ,... kết hợp truy xuất nguồn gốc, thu hoạch đúng thời điểm...

Đồng Tháp triển khai các mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Trong đó, phối hợp với các huyện, thành phố triển khai thực hiện nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong vụ thu đông 2023 với các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long, Công ty TNHH Chơn Chính...

Đây là tiền đề tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long; tham gia Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long.

(Còn nữa)

"Để đạt mục tiêu năm 2023 cả nước sản xuất được từ 43,2 đến 43,4 triệu tấn lúa, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có kế hoạch gieo cấy với các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm sản xuất hiệu quả. Trước nhu cầu cao của thị trường lúa gạo, ngành nông nghiệp đã có kế hoạch nâng diện tích sản xuất vụ thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên khoảng 700.000 ha. Dự báo hiện tượng El Nino sẽ bắt đầu tác động mạnh từ khoảng tháng 10/2023, nhất là từ vụ đông xuân 2023-2024 tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó nên sẽ triển khai sớm giải pháp thích hợp".

Cục trưởng Trồng trọt NGUYỄN NHƯ CƯỜNG