Tạo “bệ đỡ” bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân được tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lớn nhất. Song nhiều nghệ nhân tuổi đã cao, nhiều câu lạc bộ gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện chính sách đãi ngộ để nghệ nhân yên tâm cống hiến.

Biểu diễn rối nước phục vụ khách du lịch tại làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).
Biểu diễn rối nước phục vụ khách du lịch tại làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Hà Nội là “Thủ đô di sản”. Riêng ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, thành phố sở hữu 1.793 di sản các loại. Trong đó, có những di sản được UNESCO ghi danh như: Hội Gióng ở Phù Đổng và đền Sóc, ca trù... hay được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Cổ Loa, lễ hội làng Lệ Mật, lễ hội đình Chèm, nghề làm cốm ở Mễ Trì... Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô có sức sống mạnh mẽ bởi cộng đồng đã chung sức gìn giữ qua các thế hệ, nhất là những nghệ nhân - những người nắm giữ những tri thức dân gian, thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Hà Nội có 76 nghệ nhân được tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú (hiện thành phố có 71 nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu trong đợt 3). Đây là những báu vật nhân văn sống. Song, phần lớn lớp người gìn giữ, trao truyền di sản của thành phố đều tuổi cao, sức yếu. Nhiều người có thu nhập thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. 

Trong số 76 nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, 13 người đã qua đời; 16 người đang ở độ tuổi từ 80 đến 94. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh thông tin: “Nguồn kinh phí dành cho hoạt động tôn vinh, khen thưởng cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở mức thấp. Kinh phí cho các hoạt động liên quan chủ yếu do các thành viên tự đóng góp, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ cộng đồng”.

Hiện nay, các nghệ nhân chỉ được hỗ trợ một khoản kinh phí khi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, còn lại hầu như không được hỗ trợ khoản kinh phí nào. Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), hơn 40 năm toàn tâm, toàn ý cho công tác khôi phục di sản ở địa phương, góp phần đưa làn điệu hát dô từ nguy cơ thất truyền trở lại mạnh mẽ với đời sống đương đại cho biết, bà chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào, trong khi đời sống kinh tế rất khó khăn. Bởi vậy, các nghệ nhân đều mong mỏi thành phố có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, câu lạc bộ, góp phần động viên, hỗ trợ lớp người nắm giữ di sản tiếp tục cống hiến.

Trước thực tế này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố đến năm 2025. Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng Dự thảo Chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, trình HĐND thành phố xem xét, ban hành nghị quyết. Điểm nổi bật của dự thảo là không chỉ tạo ra chính sách đãi ngộ với nghệ nhân, mà còn hỗ trợ một cách toàn diện cho các hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. 

Cụ thể, thành phố sẽ có bốn loại hình hỗ trợ: Hỗ trợ, đãi ngộ dành cho Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (2 tháng lương cơ bản/tháng cho Nghệ nhân Nhân dân, 1,5 tháng lương cơ bản/ tháng với Nghệ nhân Ưu tú); hỗ trợ các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ tập luyện, biểu diễn, tham gia hoạt động của các nghệ nhân, câu lạc bộ; mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan... Trong đó, việc hỗ trợ trong tập luyện, biểu diễn của các nghệ nhân, các câu lạc bộ là một bước đột phá trong bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cùng với chính sách hỗ trợ, thành phố có thể thành lập một quỹ tài trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bổ sung kinh phí cho các hoạt động tôn vinh quảng bá di sản. 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, tổ soạn thảo chính sách sẽ tập hợp, bổ sung ý kiến để xây dựng dự thảo chất lượng, hiệu quả, góp phần để Nghị quyết của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội được ban hành trong thời gian sớm nhất.