Tăng cơ hội việc làm cho lao động tại 6 địa phương

6 địa phương phía bắc phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến đầu tiên của tháng ba. Với hơn 10,7 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng, chương trình nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tham gia phỏng vấn trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm. (Ảnh: Nhật Quang)
Lao động tham gia phỏng vấn trực tuyến tại phiên giao dịch việc làm. (Ảnh: Nhật Quang)

Hơn 10,7 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng

Ngày 9/3, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 địa phương phía bắc đã diễn ra.

Tham gia chương trình có Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và Bắc Kạn.

Sự kiện hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp; hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong tình hình mới.

Tăng cơ hội việc làm cho lao động tại 6 địa phương ảnh 1

Người lao động tìm hiểu thông tin tại doanh nghiệp trong phiên giao dịch việc làm ngày 9/3. (Ảnh: Nhật Quang)

Phiên giao dịch thu hút 75 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với nhu cầu tuyển dụng là 10.752 chỉ tiêu.

Trong đó, số chỉ tiêu tuyển dụng cao nhất là các doanh nghiệp ở Bắc Giang (2.895 lao động), Bắc Ninh (2.892 lao động), Ninh Bình (2.473 lao động ), Hà Nội (1.531 lao động)…

Báo cáo phân tích của ban tổ chức phiên giao dịch việc làm cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 4.102 người, tương đương khoảng 39%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật là 2.815, chiếm tỷ lệ 26%. Còn lại là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông là 3.835, chiếm tỷ lệ 35%.

Phiên giao dịch trực tuyến kết nối 6 địa phương thu hút 75 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Nhu cầu tuyển dụng là 10.752 chỉ tiêu.
Trong đó, số chỉ tiêu tuyển dụng cao nhất là các doanh nghiệp ở Bắc Giang (2.895 lao động), Bắc Ninh (2.892 lao động), Ninh Bình (2.473 lao động ), Hà Nội (1.531 lao động)…

Phân chia theo mức thu nhập/tháng, mức lương từ 15 triệu đồng trở lên chiếm tỷ lệ 18%. Mức lương từ 10-15 triệu đồng chiếm khoảng 28%. Mức lương từ 7-10 triệu đồng chiếm khoảng 27%. Mức lương từ 5-7 triệu đồng chiếm khoảng 16%. Còn lại là mức lương theo thỏa thuận với tỷ lệ 11%.

Cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm lao động từ 18-25 tuổi với 4.815 chỉ tiêu. Đây là cơ hội cho người lao động trẻ nhiệt huyết với công việc qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.Tiếp đến là nhóm tuổi từ 26-34 với 3.802, nhóm tuổi từ 35 trở lên là 2.135 người.

Riêng tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức phiên giao dịch việc làm đồng bộ trên hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Trong đó, có sàn trung tâm tại số 215 Trung Kính và 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh thuộc địa bàn Thủ đô.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó phòng Tổ chức - Hành chính của Công ty cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội - khu vui chơi giải trí Công viên Hồ Tây, cho hay, nguồn thông tin lao động kết nối ở nhiều địa phương theo hình thức này sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, đáng tin cậy cho người lao động và doanh nghiệp

Bà Hồng chia sẻ, đặc biệt, trong bối cảnh 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, việc doanh nghiệp tuyển dụng tiếp xúc trực tiếp với người lao động rất khó khăn. Doanh nghiệp phải tự truyền thông, tuyển dụng trực tuyến. Do vậy, khi phối hợp sàn giao dịch việc làm trực tuyến để kết nối với người lao động, phương thức này đem lại hiệu quả khá khả quan. Việc kết nối với người lao động không mất phí, nên doanh nghiệp thường xuyên tham gia khi sàn giao dịch việc làm có chương trình kết nối.

Còn theo bà Trần Thị Vân, Phó phòng Tổ chức-Hành chính-Nhân sự và quản trị Công ty TNHH Du lịch và thương mại Sông Hồng, tại phiên giao dịch việc làm này, doanh nghiệp có nhu cầu doanh nghiệp tuyển dụng ở 10 công việc khác nhau. Mức lương tùy thuộc vào khả năng cũng như kỹ năng kinh nghiệm của ứng viên đáp ứng. Mức lương cho vị trí trưởng phòng từ 20-30 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, thu nhập có thể cao hơn tùy thuộc vào khả năng cũng như kinh nghiệm của người lao động. Với vị trí nhân viên, chuyên viên, mức lương tháng dao động từ 7 đến 15 triệu đồng.

Có mặt tại phiên giao dịch việc làm, anh Phạm Mạnh Cường, 24 tuổi, đến từ Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội), cho biết, bản thân tham gia sự kiện để tìm cơ hội ứng tuyển vào vị trí nhân viên hành chính nhân sự. Anh Cường mong tìm được vị trí việc làm phù hợp với mức lương phù hợp nhu cầu và kinh nghiệm của bản thân.

Anh Cường cho hay, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết có sự kết nối nhiều doanh nghiệp, là cơ hội tốt để người lao động có thể tham khảo và lựa chọn vị trí nghề nghiệp phù hợp.

Còn anh Nguyễn Bá Duy (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến phiên giao dịch việc làm trực tuyến để tìm một công việc liên quan đến lĩnh vực tài chính-chứng khoán. Anh kỳ vọng sẽ tìm được vị trí việc làm phù hợp với kinh nghiệm, với mức lương tháng dao động từ 12 tới 15 triệu đồng.

Nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động

Tăng cơ hội việc làm cho lao động tại 6 địa phương ảnh 2

Lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: Nhật Quang)

Với sự phối hợp chuẩn bị tốt của các trung tâm dịch vụ việc làm, bám sát thông tin thị trường lao động năm 2023, Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố lần này kỳ vọng mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động tại sàn giao dịch việc làm. Qua đó, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn của 6 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.

Riêng tại địa bàn Hà Nội, trong tháng hai năm 2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho 14 nghìn lao động, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 45,2 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 1.200 lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 13 phiên giao dịch việc làm với 415 đơn vị, doanh nghiệp tham gia và 2.400 lao động được phỏng vấn, với 805 người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch. Cùng với đó, 12,1 nghìn lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.

Cũng trong tháng này, Hà Nội ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 5.900 người với số tiền hỗ trợ 175,8 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.800 người; hỗ trợ học nghề cho 85 người với số tiền 378 triệu đồng.

Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự kiến tổ chức 252 phiên giao dịch việc làm.

Tính chung 2 tháng đầu năm, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 27,9 nghìn lao động, đạt 17,2% kế hoạch năm, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. Các cơ quan liên quan tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 9.700 người với kinh phí hỗ trợ là 284 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 7.500 người; hỗ trợ học nghề cho 121 người với số tiền 536,4 triệu đồng.

Trước đó, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho hay, trong năm 2023, đơn vị này có kế hoạch tổ chức 252 phiên giao dịch việc làm.

Ngoài các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, Trung tâm tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm lưu động, 6 phiên giao dịch việc làm chuyên đề, 6-8 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh. Trung tâm cũng tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm dành cho nhóm yếu thế là người khuyết tật. Qua đó, tạo cơ hội để họ tìm được việc làm, có thu nhập, hòa nhập cuộc sống.

Ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ hướng đến những lĩnh vực ngành, nghề về cả cung và cầu, để tạo hiệu quả kết nối gắn kết tốt nhất, hỗ trợ cho lực lượng doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm nhân sự và lực lượng lao động tìm kiếm được việc làm ổn định, bền vững.

Hằng năm, Trung tâm tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất kinh doanh, từ 180 nghìn đến 200 nghìn vị trí việc làm trống. Còn với thông tin cung lao động, sẽ tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động, từ 60 nghìn đến 80 nghìn thông tin.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động bảo đảm hiệu quả, chất lượng để đáp ứng cho các hoạt động nghiệp vụ. Qua đó, có những định hướng tổ chức các phiên giao dịch việc làm phù hợp, gắn kết được hiệu quả nhất lực lượng lao động đi tìm kiếm việc làm với các vị trí việc làm từ phía các doanh nghiệp.