Có thể thấy, “cung” và “cầu” là hai yếu tố cơ bản góp phần hình thành và phát triển thị trường lao động. Sự biến động của cung, cầu lao động, cũng như việc không đánh giá được đúng tình hình cung, cầu sẽ dẫn đến biến động của cả thị trường lao động. Trong bối cảnh tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và các xu thế lớn khác, hơn lúc nào hết đang tác động mạnh mẽ đến cả cung và cầu thị trường lao động nước ta.
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), thời kỳ hậu Covid-19, nguồn “cung” lao động về số lượng đã có sự thay đổi rõ nét. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III/2022 là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người so với quý trước đó và đặc biệt tăng gần 2,8 triệu người so cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III/2022 là 68,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so quý trước đó và tăng 3,1 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2021. Về chất lượng cũng đang có sự thay đổi tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III/2022 là 26,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so quý trước đó và hơn 0,2 điểm phần trăm so cùng kỳ năm 2021. Thách thức đang đặt ra rất nhiều đối với “cung” lao động cả về số lượng và chất lượng, khi thiếu hụt lao động cục bộ vẫn diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực, ngành nghề.
Thách thức đang đặt ra rất nhiều đối với “cung” lao động cả về số lượng và chất lượng, khi thiếu hụt lao động cục bộ vẫn diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực, ngành nghề. Sự biến động về “cầu” lao động cũng diễn ra ở khắp các lĩnh vực, ngành nghề, đòi hỏi nguồn cung lao động thích ứng phù hợp cả về số lượng và chất lượng...
Đồng thời, “cầu” lao động cũng có sự thay đổi đáng kể theo chiều hướng tích cực, khi trong quý III/2022, tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so quý III/2021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19). Tuy nhiên, sự biến động về “cầu” lao động cũng diễn ra ở khắp các lĩnh vực, ngành nghề, đòi hỏi nguồn cung lao động thích ứng phù hợp cả về số lượng và chất lượng...
Sự biến động về “cung” và “cầu” lao động diễn ra là sự tất yếu. Tuy nhiên, thay vì bị động, các cơ quan quản lý phải chủ động nắm bắt, làm chủ những diễn biến thay đổi của “cung” và “cầu” lao động thì mới có thể quản trị, điều tiết như trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 (Đại hội XIII của Đảng) đã nêu rõ: “Tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước”.
Với thực tế nêu trên, hiện nay Cục Việc làm đang nỗ lực xây dựng và phát triển một mô hình phân tích và dự báo cung-cầu lao động; góp phần giúp Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng cốt lõi là phân tích và dự báo cung-cầu lao động để cung cấp thông tin kịp thời và làm cơ sở hoạch định và điều hành chính sách tốt hơn. Đại diện lãnh đạo Cục Việc làm cho rằng, trong dự báo thị trường lao động, cần xác định rõ đối tượng và mục đích để dự báo chiến lược nhằm xây dựng, thực hiện ban hành các nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như các nghị quyết phát triển các vùng, miền của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, có dự báo hỗ trợ phát triển thị trường lao động phục vụ điều hành, hỗ trợ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Việc làm. Một dự báo về thị trường lao động cần bảo đảm ở tầng quốc gia, tầng địa phương; từ đó, hình thành mô hình dự báo tốt cho việc điều hành của Chính phủ và các cơ quan liên quan.