Gỡ vướng cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm

NDO -

Cả nước hiện có 88 trung tâm dịch vụ việc làm, với gần 4.000 nhân viên. Qua thực tế, hoạt động của hệ thống này đã xuất hiện những bất cập, cần khắc phục trong thời gian tới.

Phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: HCES).
Phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: HCES).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL).

Cần tổ chức lại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm 

Gỡ vướng cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm -0
Trao đổi tuyển dụng trực tuyến (Ảnh: HCES).

Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 196/2013/NĐ-CP quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm DVVL (sau đây gọi tắt là Nghị định 196) tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống Trung tâm DVVL trên toàn quốc. Sau sáu năm thực hiện, trong thực tế đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập.

Hiện cả nước có 88 trung tâm DVVL được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định 196. Con số này đã giảm 42 trung tâm so với năm 2014, giảm 10 trung tâm so với năm 2018.

Mạng lưới trung tâm DVVL gồm 63 trung tâm do Sở LĐ, TB và XH quản lý. Bên cạnh đó là 25 trung tâm thuộc tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao độngViệt Nam…

Đến hết năm 2019, đã có 28 trung tâm là đơn vị tự chủ chi thường xuyên; 56 trung tâm là đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên; 14 trung tâm là đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Tổng số nhân viên làm việc tại các trung tâm DVVL là 3.957, tăng 455 người so với năm 2014. Trong số này, các trung tâm DVVL thuộc ngành LĐ, TB và XH là 3.198 người, chiếm 81%. Hơn 700 nhân viên còn lại thuộc các trung tâm DVVL thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội quản lý.

Từ năm 2016 đến nay có sự biến động lớn về thành lập, tổ chức lại và giải thể trung tâm, đặc biệt là các trung tâm thuộc tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức lại gặp một số vướng mắc do trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể quy định tại Điều 4 Nghị định 196 được dẫn chiếu sang Nghị định số 55/2012/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 55) của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng Nghị định 55 không điều chỉnh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Do vậy, Sở LĐ, TB và XH gặp khó khăn trong nắm thông tin về các trung tâm DVVL do tổ chức chính trị - xã hội quản lý. 

Theo quy định, Trung tâm DVVL có chín nhiệm vụ chính. Tuy vậy, do nguồn lực, nhiều trung tâm chưa bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, đặc biệt, nhiệm vụ “Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động”. Đây là nhiệm vụ quan trọng vì vừa là thông tin đầu vào để phục vụ hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo,…vừa là sản phẩm đầu ra để phục vụ quản lý nhà nước, định hướng trong giáo dục, đào tạo, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm cho mỗi gia đình, mỗi người lao động (NLĐ).

Thị trường lao động ngày càng phát triển thì yêu cầu về DVVL ngày càng tăng. Song, số biên chế được giao bổ sung ngày càng ít, chưa kể phải thực hiện tinh giản biên chế khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. 

Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội DVVL công thế giới từ ngày 1-7-2011 và gia nhập Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm. 

Theo đó, một loạt các yêu cầu về tổ chức DVVL công (trung tâm DVVL) cần phải rà soát, thực hiện bảo đảm các yêu cầu của Công ước.

Gắn với thực tiễn 

Gỡ vướng cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm -0
Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm (Ảnh; HCES). 

Một trong những quan điểm chủ đạo trong xây dựng dự thảo Nghị định này là bảo đảm tính thực tiễn cao. Dự thảo Nghị định được biên soạn có kế thừa quy định Nghị định 196. Đồng thời, bổ sung các nội dung để khắc phục những bất cập trong thành lập, hoạt động Trung tâm DVVL và phù hợp với các chỉ đạo, quy định hiện hành.  

Dự thảo Nghị định trình lấy ý kiến có năm chương, 17 điều.

Theo đó, một số nhiệm vụ chính của Trung tâm DVVL gồm: Tư vấn; Giới thiệu việc làm cho NLĐ; Cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của NSDLĐ; Thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động; Phân tích và dự báo thị trường lao động; Thực hiện chính sách BH thất nghiệp…

Trung tâm DVVL cần có ít nhất 15 viên chức và NLĐ có trình độ từ đại học trở lên; có các phòng chức năng như: Phòng tư vấn giới thiệu việc làm; Phòng thông tin thị trường lao động; Phòng nghiệp vụ BH thất nghiệp với các Trung tâm DVVL thực hiện nhiệm vụ này.

Trung tâm DVVL thực hiện theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Tư vấn viên, nhân viên nghiệp vụ BH thất nghiệp tại Trung tâm DVVL phải có chứng chỉ nghiệp vụ về DVVL do Bộ LĐ, TB và XH cấp. 

Kinh phí hoạt động từ Ngân sách nhà nước; các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi không thường xuyên. Ngoài ra, có kinh phí quản lý Quỹ BH thất nghiệp với các trung tâm DVVL thực hiện chính sách BH thất nghiệp; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Bộ LĐ, TB và XH chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước đối với Trung tâm DVVL trong phạm vi cả nước. Đồng thời, hướng dẫn quy hoạch mạng lưới theo Luật Quy hoạch và các văn bản khác.

Theo thống kê từ Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB và XH), riêng trong năm qua, 63 Trung tâm DVVL của các địa phương đã tổ chức 1.223 phiên giao dịch việc làm. Trung bình, mỗi phiên thu hút khoảng 25-30 DN và 300-400 người. Từ đó, gần ba triệu lượt NLĐ được tư vấn, giới thiệu việc làm. 

Số lao động nhận được việc làm thông qua các trung tâm là hơn 1 triệu lượt người, đạt tỷ lệ hơn 33% số người được tư vấn, giới thiệu việc làm. 

Trong năm 2019, cả nước có gần 830.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, với hơn 812.000 người có quyết định hưởng BH thất nghiệp hằng tháng. Ngoài ra, hơn 41.000 người được hỗ trợ học nghề. Hơn 1,6 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.