Tâm huyết với nông sản vùng cao

Dù đã có việc làm ổn định tại Hà Nội nhưng Lưu Thị Hòa vẫn quyết trở về quê hương Đồng Văn (Hà Giang) để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Với sự nhạy bén của tuổi trẻ, tâm huyết với nông nghiệp vùng cao, cô gái trẻ người Cờ Lao đã xây dựng thành công một số thương hiệu nông sản nổi bật; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Pó Mỷ Lưu Thị Hòa kiểm tra đàn ong lấy mật bạc hà.
Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Pó Mỷ Lưu Thị Hòa kiểm tra đàn ong lấy mật bạc hà.

Năm 2017, Lưu Thị Hòa đăng ký tham gia cuộc thi Người đẹp Cao nguyên đá và đạt Giải nhất. Sau khi đạt danh hiệu, Hòa tham gia nhiều hoạt động cộng đồng do tỉnh tổ chức, trong đó có việc quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản. “Khi tham gia hoạt động cộng đồng, tôi thấy Hà Giang dù địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, bù lại có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng. Tuy nhiên, người nông dân nơi đây còn nhiều khó khăn do sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, giá trị thấp”, Hòa tâm sự.

Suy nghĩ đó khiến cô gái trẻ sinh năm 1992 người Cờ Lao từ bỏ công việc ổn định tại Hà Nội, trở về quê hương tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Cuối năm 2017, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Pó Mỷ được Lưu Thị Hòa thành lập.

Ban đầu, cô lựa chọn hai sản phẩm chủ lực để liên kết sản xuất với người dân là tiêu thụ rau xanh sạch và thu mua, tiêu thụ mật ong bạc hà tại thị trường Hà Nội. Sau một năm hoạt động, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ rau sạch thất bại do chi phí thu gom cao, vận chuyển rau sạch đến thị trường Hà Nội quá xa. Bù lại, việc liên kết tiêu thụ mật ong bạc hà với thương hiệu Pó Mỷ đạt kết quả khả quan. Điều đó khích lệ Hòa tiếp tục gắn bó với nông nghiệp vùng cao, nỗ lực tìm tòi, cho ra đời những sản phẩm đặc trưng.

Sản phẩm mật ong bạc hà Pó Mỷ là mặt hàng được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng nhờ có uy tín và chất lượng tốt. Hòa cho biết: “Để có được những lít mật ong bạc hà chất lượng tốt, tôi thường xuyên đến các hộ nuôi ong để hướng dẫn kỹ thuật cho đàn ong phát triển tốt, giám sát và trực tiếp thu mua mật. Làm vậy hợp tác xã mới có nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng”.

Hiện nay, hợp tác xã liên kết với 30 hộ dân huyện Đồng Văn nuôi ong lấy mật bạc hà với hơn 1.000 đàn ong. Mối liên kết này không những giúp hợp tác xã có nguồn nguyên liệu ổn định mà còn giúp người nuôi ong có đầu ra ổn định, giá bán cao. Năm 2018, anh Lầu Nhè Chán, ở xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn liên kết nuôi và cung cấp mật ong cho Hợp tác xã Pó Mỷ.

Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật lại có đầu ra ổn định nên tổng đàn ong của gia đình tăng nhanh và hiện anh Chán đã có 60 tổ ong. Anh Chán cho biết: “Thu nhập từ nuôi ong rất cao và ổn định hơn nhiều so với trồng ngô, nuôi lợn, nuôi gà. Năm nay, thu nhập từ nuôi ong của gia đình cũng đạt gần 100 triệu đồng. Trong những năm tới, tôi sẽ tiếp tục nhân đàn, phấn đấu nuôi khoảng 100 tổ ong”.

Bên cạnh sản phẩm chủ lực là mật ong bạc hà, Hợp tác xã Pó Mỷ còn sản xuất một số sản phẩm từ nông sản địa phương… Hiện nay, hợp tác xã đã liên kết với hàng trăm hộ dân ở huyện Đồng Văn sản xuất, tiêu thụ lê, sâm khoai với sản lượng thu mua mỗi năm từ 10 đến 80 tấn nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm đặc sản như rượu lê, phở sâm khoai.

Bên cạnh việc sản xuất, Lưu Thị Hòa cũng nghiên cứu, đầu tư xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Được sự giúp đỡ của các ngành chức năng, sản phẩm chủ lực của hợp tác xã do Hòa làm chủ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã và thường xuyên được đưa đi tham dự các hội trợ triển lãm hàng nông sản.

Bên cạnh đó, Hòa còn quảng bá sản phẩm, giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Sendo, Voso, Lazada, Shopee. Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, bán hàng online giúp xóa đi khoảng cách địa lý, tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông sản vùng cao tiếp cận khách hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu qua các sàn thương mại, mạng xã hội, giúp hợp tác xã có doanh thu ổn định.

Tâm sự về hướng đi trong thời gian tới, Lưu Thị Hòa chia sẻ: “Ngoài việc duy trì, phát triển các sản phẩm chủ lực đã có, hợp tác xã cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, máy móc chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm từ nguồn nguyên liệu là mật ong bạc hà, quả lê, củ sâm khoai. Từ đó nâng cao hơn nữa giá trị nông sản vùng cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”.