Giúp người dân an cư để thoát nghèo bền vững

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong hỗ trợ người dân xóa nhà tạm và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Có nhà ở kiên cố là động lực cho người dân vươn lên, là giải pháp giúp tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân được hỗ trợ xóa nhà tạm bảo đảm tiêu chí “Cứng tường, cứng nền, bền mái”.
Người dân được hỗ trợ xóa nhà tạm bảo đảm tiêu chí “Cứng tường, cứng nền, bền mái”.

Trong căn nhà mới xây, anh Vừ Mí Sính, thôn Há Dấu Cò, xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc không giấu nổi niềm vui vì ước mơ có được ngôi nhà kiên cố, sạch đẹp đã trở thành hiện thực. Ngày trước, gia đình anh phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, nắng nóng, mưa dột. Quyết tâm dựng nhà mới cho vợ con, anh Sính đã đi làm công nhân ở trong và ngoài tỉnh, nhưng do không có nghề cho nên thu nhập thấp, tiền tích cóp chưa đủ làm nhà.

Niềm vui đã đến với gia đình anh Sính, năm 2023, thôn Há Dấu Cò họp bàn, bình xét cho gia đình anh là hộ được hỗ trợ tiền xây nhà mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Với số tiền hỗ trợ 44 triệu đồng, cùng với tiền tiết kiệm, gia đình anh Sính đã hoàn thành ngôi nhà mới rộng hơn 60m2 theo kiến trúc nhà truyền thống người H’Mông vào dịp trước Tết Nguyên đán. Anh Vừ Mí Sính vui vẻ nói: “Số tiền hỗ trợ của Nhà nước là động lực để gia đình tôi cố gắng vay mượn hoàn thành ngôi nhà mơ ước bấy lâu. Có nhà mới, tôi yên tâm hơn khi đi làm công nhân ở xa, vợ con ở nhà cũng yên tâm lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình”.

Là tỉnh miền núi với hơn 80% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, những năm qua, tỉnh Hà Giang triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm. Nổi bật như chương trình “Xóa nhà tạm cho hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở” với nguồn kinh phí xã hội hóa hoàn toàn. Chương trình được triển khai từ tháng 7/2019, sau hơn ba năm thực hiện, tỉnh làm được 6.700 ngôi nhà cho gia đình chính sách, cựu chiến binh, hộ nghèo; tổng kinh phí các đơn vị, cá nhân hỗ trợ là hơn 400 tỷ đồng, số ngày công người dân đóng góp thực hiện chương trình là hơn 341 nghìn công.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long cho biết: Mặc dù đã triển khai thành công các chương trình, chính sách xóa nhà tạm, nhưng với điều kiện tỉnh miền núi, cuộc sống người dân khó khăn cho nên số hộ có nhu cầu xóa, sửa nhà tạm còn rất lớn. Trong điều kiện tỉnh vùng cao khó khăn về nội lực, Hà Giang xác định nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là giải pháp trọng tâm để hỗ trợ người dân làm nhà mới.

Giai đoạn 2021-2025, tổng số hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm là 8.185 hộ, sửa nhà là 3.513 hộ, kinh phí là hơn 437 tỷ đồng. Thực hiện dự án 5, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã xây dựng đề án xóa, sửa nhà tạm cho hộ nghèo và cận nghèo. Các hộ đăng ký và được cộng đồng xét duyệt sẽ được hỗ trợ 44 triệu đồng để xây mới; 22 triệu đồng để sửa nhà.

Để đề án được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng, bảo đảm tiến độ, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, địa phương; kèm theo đó là thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Năm 2023, tỉnh thành lập bốn đoàn công tác, thường xuyên về các địa phương đánh giá quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có tiến độ giải ngân xóa nhà tạm. Chính quyền cơ sở đã phân công cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách địa bàn về xã, thôn để giám sát, đôn đốc, đồng thời huy động nhân lực tại chỗ hỗ trợ các hộ gia đình xóa nhà tạm bằng những việc làm cụ thể.

Tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, năm 2023 huyện giao kế hoạch xây nhà mới cho 72 hộ; sửa nhà cho chín hộ với số tiền là 3.366 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn Hoàng Thanh Hải chia sẻ, ngay khi được giao vốn, để bảo đảm người dân xây nhà đúng kiến trúc truyền thống, bảo đảm chất lượng và tiến độ, xã đã chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên xuống thôn để đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện. Lãnh đạo thôn cũng động viên, nắm bắt tâm tư các hộ, hộ nào khó khăn thì huy động đoàn thanh niên, dân quân, công an viên giúp vận chuyển vật liệu, san mặt bằng, mở đường vào nhà. Với quyết tâm cao, năm qua xã đã hoàn thành kế hoạch, giải ngân 100% vốn.

Sự quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sự cố gắng của người dân đã góp phần giúp tỉnh thực hiện tốt kế hoạch giải ngân xóa nhà tạm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Năm 2023 tỉnh có 3.582 hộ được hỗ trợ xây nhà mới; 1.416 hộ được hỗ trợ sửa nhà với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng, đạt hơn 92% kế hoạch. Toàn bộ nhà được hỗ trợ xây mới đều bảo đảm tiêu chí “cứng tường, cứng nền, bền mái”.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang Sùng Đại Hùng cho biết: Hiện nay các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực triển khai kế hoạch giải ngân vốn năm 2024. Tuy nhiên, để chương trình hiệu quả hơn, hỗ trợ người dân triệt để hơn, tỉnh đề nghị Trung ương nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo khi được hỗ trợ xây nhà mới từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được vay thêm nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm có thêm nguồn lực để xây nhà khang trang, ổn định lâu dài hơn.