Hiệu quả từ cây dẻ ván vùng cao Bắc Kạn

Từ chỗ trồng tự phát, manh mún, vài năm trở lại đây, mô hình trồng cây dẻ ván ở Bắc Kạn đã được đầu tư canh tác bài bản và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây dẻ được trồng ở vùng cao cho hạt mẩy, hương vị thơm ngon, giá bán ổn định đã góp phần làm thay đổi đời sống của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Các vườn dẻ ván không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mở ra tiềm năng về du lịch sinh thái. Trong ảnh: Du khách hái hạt dẻ ở Ðức Vân, Ngân Sơn.
Các vườn dẻ ván không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mở ra tiềm năng về du lịch sinh thái. Trong ảnh: Du khách hái hạt dẻ ở Ðức Vân, Ngân Sơn.

Chúng tôi về xã Ðức Vân, huyện Ngân Sơn thăm mô hình trồng dẻ ván của đồng bào dân tộc Dao tại đây. Ðức Vân hiện là xã có diện tích trồng dẻ lớn nhất huyện với diện tích hơn 30 ha. Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cho nên cây dẻ tại Ðức Vân khác biệt một số địa phương bởi mẫu mã đẹp, hạt to, vị thơm bùi đặc trưng. Nếu như những nơi khác hạt dẻ từ 60-65 hạt/kg thì ở Ðức Vân chỉ khoảng 40 hạt/kg.

Chị Bàn Thị Ngân là một trong những người tiên phong trồng cây dẻ ở Ðức Vân. Theo chị Ngân, năm 2006, chị sang tỉnh Lạng Sơn học hỏi kinh nghiệm trồng cây dẻ ván, sau đó đưa về trồng thử nghiệm tại địa phương. Sau khi trồng thử nghiệm, cây dẻ phát triển tốt, sản phẩm hạt dẻ được khách hàng ưa chuộng.

Năm 2019, chị Ngân cùng một số hộ dân tại xã Ðức Vân thành lập Hợp tác xã Hợp Phát. Ðến nay, Hợp tác xã của chị có 21 thành viên đều là người dân tộc Dao. Nhận thấy tiềm năng từ cây dẻ, mấy năm nay, nhiều thành viên Hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dẻ.

Hợp tác xã đã mở rộng diện tích được 50 ha cây dẻ, với khoảng 8.000 cây trồng tập trung chủ yếu ở các thôn Phiêng Dượng và Nặm Làng; trong đó, có khoảng 10 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 9,5 tạ/ha, giá bán buôn tại vườn là 100 nghìn đồng/kg. Ðến năm 2020, sản phẩm hạt dẻ của Hợp tác xã Hợp Phát được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh. Ðây cũng là điều kiện thuận lợi để sản phẩm của Hợp tác xã vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần đem lại sự ổn định trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.

Việc canh tác cây dẻ ở Ngân Sơn càng trở nên bài bản, quy củ hơn khi năm 2020, Ban thực hiện Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ-CSSP (trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Bắc Kạn) lựa chọn hỗ trợ Hợp tác xã Hợp Phát, xã Ðức Vân, huyện Ngân Sơn thực hiện mô hình trồng dẻ ván hữu cơ.

Ðược hướng dẫn, Hợp tác xã không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, giống cây chuyển đổi gien. Mỗi cơ sở sản xuất có mã số nông hộ. Người dân thường xuyên ghi chép các hoạt động sản xuất, nguyên liệu sử dụng để truy xuất được nguồn gốc; thiết lập vùng đệm nhằm tránh nhiễm bẩn từ bên ngoài vào khu sản xuất. Quy trình sản xuất hữu cơ đã tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng, cho nên giá bán đạt từ 80-100 nghìn đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðến nay, Hợp tác xã Hợp Phát đã có 5,35 ha dẻ ván đạt chứng nhận hữu cơ, không chỉ cho thu hoạch hạt mà còn đang mở ra hướng kết hợp với du lịch sinh thái.

Giám đốc Hợp tác xã Bàn Thị Ngân cho biết: Ðơn vị vận động các thành viên duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, diện tích của thành viên khác cũng chuyển sang sản xuất hữu cơ. Trong thời gian tới, Hợp tác xã phấn đấu xây dựng một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hạt dẻ trên địa bàn huyện Ngân Sơn với quy mô 18 ha cây dẻ để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa ổn định.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Hà Sỹ Huân, mô hình trồng dẻ ván theo hướng hữu cơ tại Ngân Sơn là điển hình của hiệu quả từ việc thay đổi toàn bộ phương thức canh tác. Không những vậy, hiện nay người dân đã làm chủ được khoa học-kỹ thuật để từ đó chiết, ghép tạo ra giống cho thu hoạch sớm, hạt dẻ to mẩm, mang lại thu nhập ổn định.

Hiện tại, toàn huyện Ngân Sơn đã có hơn 105 ha cây dẻ ván, diện tích cho thu hoạch hơn 27 ha, năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha, trồng tập trung tại các xã Bằng Vân, Ðức Vân, thị trấn Nà Phặc. Hạt dẻ ván đã được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao và là sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Cây dẻ ván phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Ngân Sơn, dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đại diện lãnh đạo huyện Ngân Sơn, trong thời gian tới, huyện Ngân Sơn đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng thêm mới 100 ha cây dẻ ván, mỗi năm 20 ha tại các xã Cốc Ðán, Thượng Ân, Bằng Vân, Ðức Vân và thị trấn Nà Phặc. Hơn nữa, huyện chỉ đạo nhân rộng diện tích gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả trong hành trình gây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng.