Đa dạng sinh kế để người dân thoát nghèo

Hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chủ yếu sinh sống ở miền núi, vùng xa và phần lớn là người dân tộc thiểu số. Để giảm nghèo có hiệu quả, bền vững, các địa phương và tỉnh Thái Nguyên xác định, việc hỗ trợ thoát nghèo phải căn cứ vào nhu cầu của người dân và tiềm năng, lợi thế của địa phương khi triển khai các chương trình, dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Trâu sinh sản của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên sinh trưởng và phát triển nhanh.
Trâu sinh sản của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên sinh trưởng và phát triển nhanh.

Phù hợp nhu cầu người dân

Là hộ thuộc diện nghèo, sau khi được hỏi ý kiến, tháng 7/2023, gia đình chị Vi Thị Lan, ở xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương được hỗ trợ một con trâu sinh sản để chăn nuôi. Thời gian qua, chị Lan chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y cho nên trâu sinh trưởng, phát triển tốt. Chị Lan cho biết: “Được địa phương đầu tư từ chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thấy mô hình nuôi trâu sinh sản trên địa bàn có hiệu quả, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tạo nguồn phân để canh tác cho nên gia đình tôi đăng ký và được hỗ trợ trâu sinh sản. Hy vọng thời gian tới, trâu sẽ sinh sản đều, tạo sinh kế để gia đình tôi thoát nghèo bền vững”.

Tương tự như vậy, gia đình anh Vũ Mạnh Khu ở xóm Phú Thành, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương cũng được hỗ trợ một con trâu sinh sản sau khi được đến tận nơi cung cấp trâu để chọn con ưng ý nhất, được tập huấn kiến thức. Theo anh Khu, địa phương có lợi thế để phát triển chăn nuôi trâu, đó là nguồn thức ăn sẵn có cho nên chi phí đầu tư, chăm sóc không nhiều. Đối với những hộ nghèo, được hỗ trợ trâu sinh sản rất ý nghĩa, tạo cơ hội cho gia đình có thêm nguồn thu nhập, là cơ hội để thoát nghèo và phát triển kinh tế của gia đình.

Bí thư Huyện ủy Phú Lương Nguyễn Quốc Hữu cho biết: “Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là cơ hội, động lực để phát triển địa phương, do đó, việc tổ chức thực hiện phải thật sự hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, các dự án hỗ trợ trực tiếp cần hỏi nhu cầu, nguyện vọng của người dân trước khi đầu tư. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để các chương trình, dự án phát huy hiệu quả”.

Trong hai năm 2022 và 2023, huyện Phú Lương hỗ trợ gần 200 con trâu, bò, dê sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo. Còn tại huyện Phú Bình, hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ gà giống phù hợp với nguyện vọng, gắn với giải quyết đầu ra, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương vốn có thế mạnh nuôi gà đồi dưới tán rừng đã có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 75 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho người dân; 39 dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở tham vấn, hỏi ý kiến, nguyện vọng người dân, các dự án này được thực hiện trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phù hợp với khả năng của người dân và điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc

Một trong những nguyên nhân khó thoát nghèo là người dân thiếu đất sản xuất, đây là tư liệu chủ yếu để người dân phát triển kinh tế, thế nhưng lại chưa xác định được định mức tối thiểu đất sản xuất đối với một lao động, một hộ gia đình cho nên chưa có căn cứ để hỗ trợ. Khắc phục điểm nghẽn này, ngày 14/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-UBND, quy định định mức đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh để có căn cứ hỗ trợ, quy đổi phù hợp. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương rà soát, lập danh sách, thẩm định, phê duyệt danh sách hộ gia đình thiếu đất sản xuất để có giải pháp khắc phục.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phan Đức Cường, việc Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức đất sản xuất là giải pháp mang tính đột phá trong việc giải quyết vấn đề giảm nghèo, xóa nghèo đối với nhóm hộ này và phù hợp với tình hình thực tế. Đó là, ở những nơi không có quỹ đất để khai hoang trồng trọt, không có rừng và đất rừng để hỗ trợ người dân thì trên cơ sở quy định về quy đổi, căn cứ năng lực thực tiễn của hộ gia đình thì có thể hỗ trợ bằng dạy nghề, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để tạo sinh kế, đa dạng sinh kế để người dân thoát nghèo, không nhất thiết phải có đất canh tác mới có thể thoát nghèo bền vững.

Cùng với việc hỗ trợ người dân đa dạng sinh kế để thoát nghèo, các ban chỉ đạo chương trình Mục tiêu quốc gia của tỉnh, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, uốn nắn việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, thậm chí kỷ luật cán bộ được giao công việc cụ thể khi không hoàn thành nhiệm vụ, dù là việc cá biệt, đơn lẻ trong việc hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là cơ quan được giao chủ trì thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021 đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thái Nguyên giảm từ 6,14% xuống còn 3,02% ■