Thái Nguyên phát triển kinh tế tập thể

Với sự quan tâm của tỉnh, việc liên kết sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, kinh tế tập thể, bao gồm hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô, qua đó, tiềm năng, lợi thế của địa phương được khai thác ngày càng hiệu quả, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Hợp tác xã Chè Hảo Ðạt có không gian giới thiệu sản phẩm và phục vụ khách thưởng trà.
Hợp tác xã Chè Hảo Ðạt có không gian giới thiệu sản phẩm và phục vụ khách thưởng trà.

Từ một hộ cá thể sản xuất, kinh doanh chè, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, vốn, từng bước mở rộng quy mô, năm 2010 bà Ðào Thanh Hảo ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên thành lập tổ hợp tác sản xuất chè. Với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, thành phố Thái Nguyên và để nâng cao tính liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, chất lượng cao của người tiêu dùng, năm 2017, bà Ðào Thanh Hảo quyết định thành lập Hợp tác xã Chè Hảo Ðạt với 20 thành viên do mình làm Giám đốc.

Với quan điểm và nỗ lực sản xuất, kinh doanh chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đối với từng công đoạn, từ khi trồng đến chế biến thành phẩm, đóng gói, mẫu mã đẹp, sản phẩm đa dạng đã làm cho thương hiệu Chè Hảo Ðạt trở nên nổi tiếng, được người tiêu dùng, nhất là người sành uống trà ưa chuộng.

Giám đốc Hợp tác xã Chè Hảo Ðạt Ðào Thanh Hảo cho biết: “Năm 2023 chúng tôi sản xuất hơn 130 tấn chè búp, trong đó 80 tấn chè Tôm Nõn, 25 tấn chè Ðinh và 25 tấn chè móc câu truyền thống. Với chất lượng và thương hiệu của mình, chè Tôm Nõn Hảo Ðạt được chứng nhận OCOP năm sao, đây là sản phẩm chè duy nhất của tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn OCOP năm sao đến thời điểm này”.

Không ngừng phát triển, Hợp tác xã Chè Hảo Ðạt hiện có 50 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động với thu nhập ổn định; bên cạnh đó còn giải quyết việc làm theo mùa vụ cho khoảng 100 lao động, bao tiêu sản lượng chè búp tươi của hàng trăm hộ gia đình trong xã để chế biến, nâng giá trị chè.

Tương tự như vậy, nhiều hợp tác xã kinh doanh chè, cây ăn quả, chăn nuôi, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh cũng có bước phát triển. Ðó là Hợp tác xã Miến Việt Cường ở thị trấn Hóa Thượng, huyện Ðồng Hỷ có sản phẩm xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, doanh thu hằng năm tăng từ 10-15%; Hợp tác xã Chè La Bằng ở xã La Bằng, huyện Ðại Từ không chỉ sản xuất chè mà thời gian qua còn xây dựng không gian tham quan, thưởng trà, cải tạo nương chè để phát triển du lịch cộng đồng, góp phần khai thác đa giá trị từ chè.

Thái Nguyên là địa phương có địa hình đa dạng, đất đai màu mỡ, nguồn nước sạch, nhiều vùng tiểu khí hậu, rất thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ðược sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân có ý thức liên kết sản xuất để gia tăng số lượng, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.

Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh phát triển thêm 62 tổ hợp tác và 65 hợp tác xã, nâng tổng số toàn tỉnh có 760 tổ hợp tác và hợp tác xã. Theo lãnh đạo Liên minh hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 doanh thu của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.150 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2022, chiếm hơn 20% trong tổng doanh thu nông-lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho hơn 42.500 thành viên và người lao động với mức thu nhập từ bốn đến sáu triệu đồng/người/tháng.