Anh Hoàng Văn Đại (ở thôn Khuổi Cù, xã Tân Tiến), hiện đang sở hữu 4 ha diện tích trồng quế. Anh Đại chia sẻ: Trước đó, gia đình anh chủ yếu trồng cây bạch đàn, cây keo… tuy nhiên do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên những loại cây này cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Khi nghe ngành nông nghiệp tuyên truyền về các giống cây mới như: hồi, quế..., gia đình anh và nhiều hộ dân trong xã đã quyết định chuyển sang trồng cây quế từ năm 2010. Đến nay, gia đình anh Đại mỗi năm khai thác hơn hai tấn sản phẩm từ cây quế với tổng thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi năm. Cây quế đã giúp gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác trong thôn xóa được đói, nghèo, cải thiện cuộc sống, con cái được học hành đầy đủ.
Bí thư Đảng ủy xã Kim Đồng Hoàng Văn Quyết cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 37 ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tràng Định về xây dựng chuỗi liên kết nâng cao giá trị cây quế, hồi giai đoạn 2021-2030, mỗi năm xã được giao trồng thêm 70 ha. Để thực hiện được chỉ tiêu đó, Đảng ủy xã đã quyết liệt chỉ đạo tuyên truyền, vận động các hộ dân phát triển rừng quế, hồi và phối hợp với chuỗi liên kết quế, hồi để cung ứng giống, phân bón cho các hộ nghèo và tập huấn kỹ thuật cho bà con. Đến nay, toàn xã có 703 hộ dân thì có hơn 600 hộ trồng quế, với tổng diện tích hơn 1.000 ha quế và gần 300 ha hồi. Ngoài ra, xã còn phát triển được 10 cơ sở vườn ươm quế, cung ứng cho thị trường hơn bảy triệu cây giống/năm.
Tính đến nay, diện tích quế của huyện hơn 6.800 ha (tăng hơn 2.000 ha so với năm 2021, đạt 136% so với mục tiêu Nghị quyết số 37 của Huyện ủy đề ra đến năm 2025, riêng năm 2023 toàn huyện trồng được hơn 356 ha).Tổng sản lượng thu hoạch từ sản phẩm vỏ quế khô đạt 1.640 tấn, sản lượng thu hoạch cây quế tăng dần qua từng năm. Cây quế góp phần đưa tổng giá trị kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 của huyện Tràng Định đạt hơn 1.688 tỷ đồng, trong đó giá trị kinh tế từ cây quế và hồi đạt hơn 130 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tràng Định Vũ Đức Thiện cho biết: Từ khi nghị quyết được ban hành, Cấp ủy, chính quyền huyện đã xác định đây là một trong những thuận lợi để huyện phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây quế, hồi được coi là hai loại cây chủ lực. Cùng với đó, huyện tăng cường chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã duy trì, phát triển vùng sản xuất quế tập trung tại các xã gồm: Đoàn Kết, Cao Minh, Khánh Long, Vĩnh Tiến, Kim Đồng, Tân Tiến...
Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết quế, hồi. Đến nay, huyện đang triển khai xây dựng ba chuỗi liên kết sản xuất quế, với quy mô gần 180 ha; hai chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi, quy mô hơn 330 ha. Bên cạnh đầu tư trồng và khai thác cây quế, hồi, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tiếp tục định hướng người dân phát triển các vườn ươm cây giống.
Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 20 cơ sở ươm cây giống quế, hồi cung cấp khoảng hơn 20 triệu cây giống cho nhân dân trên địa bàn huyện và các tỉnh như: Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách; đồng thời huy động, kết hợp, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây quế, hồi đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng cho rằng, hiện cây quế, hồi là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở huyện Tràng Định cho nên thay vì bán sản phẩm thô, tỉnh đang chuẩn bị xây dựng nhà máy quế, hồi ở Tràng Định nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ hai loại cây này, đáp ứng nhu cầu của thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là một trong những bước đi đột phá, sẽ giúp tăng giá trị của sản phẩm, khẳng định thương hiệu, chỗ đứng của nông sản ở Lạng Sơn với thị trường trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.