Sớm khắc phục những hạn chế ở Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ

Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu nằm ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) được khởi công năm 2004 với tổng mức đầu tư 6.740 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã mười năm trôi qua, vấn đề tái định cư ở thủy điện Bản Vẽ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm.

Hàng chục hộ dân bản Chà Coong, xã Hữu Dương (Tương Dương, Nghệ An) vẫn "cố thủ" tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.
Hàng chục hộ dân bản Chà Coong, xã Hữu Dương (Tương Dương, Nghệ An) vẫn "cố thủ" tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ.

Năm 2005, chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án thủy điện 2 và UBND tỉnh Nghệ An đã đưa 3.022 hộ dân với hơn 14.000 nhân khẩu của 33 bản, chín xã vùng lòng hồ thủy điện di dời từ huyện Tương Dương về Thanh Chương. Tại nơi ở mới, cuộc sống của một bộ phận nhân dân đang từng bước ổn định. Song vẫn còn những khó khăn, điển hình là còn nhiều hộ dân chưa được cấp đủ đất sản xuất, một số diện tích không thể sản xuất vì đất dốc, thiếu nước... Có 47 hộ dân với 217 nhân khẩu mặc dù đã có quyết định di chuyển nhưng vẫn "cố thủ" ở vùng lòng hồ, chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ; 43 hộ dân khác đã nhận nhà ở điểm tái định cư, sau đó đã bán nhà, rời khỏi địa phương, quay về sống trong vùng lòng hồ. Nhiều cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm bị xuống cấp nghiêm trọng...

Việc người dân tái định cư quay về vùng lòng hồ là do khu tái định cư thiếu đất sản xuất, không có ruộng nước, thiếu nước sinh hoạt, thiếu đường giao thông, thiếu điện trầm trọng. Thực trạng khu vực tái định cư thủy điện Bản Vẽ còn tồn tại nhiều bất cập, nơi ở mới chưa thật sự tốt hơn nơi ở cũ. Chủ đầu tư chưa thực hiện các hạng mục liên quan theo quy định, trong khi đó, UBND tỉnh chưa kịp thời, kiên quyết xử lý. Vấn đề bồi thường đất ở tại nơi ở cũ là quá thấp, vấn đề tích nước, xả nước của thủy điện chưa hợp lý. Thực tế khi xây dựng dự án, một số nội dung còn có điểm không khoa học, chưa lường hết những tình huống có thể xảy ra khi tái định cư, cho nên gặp lúng túng trong xử lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Ðại khẳng định, nhiệm vụ giải quyết vấn đề hậu tái định cư thủy điện Bản Vẽ là hết sức cần thiết và phải giải quyết tất cả các nội dung liên quan. Về vấn đề đất đai, hai huyện Thanh Chương, Tương Dương và chủ đầu tư phải giải quyết nhanh trong quý II-2014, phải cấp đủ cho dân. UBND tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc liên quan đến các công chức, viên chức của các xã tái định cư thuộc Dự án thủy điện Bản Vẽ. Hiện nay, hệ thống nước sinh hoạt tự chảy đã hỏng, phải giải quyết bằng cách đào giếng. Chủ đầu tư đã trích 10 tỷ đồng để đào giếng và cơ bản giải quyết được vấn đề. Còn 70 hộ gặp khó khăn về nước vì khó đào giếng, sẽ phải nghiên cứu để xử lý bằng hình thức phù hợp khác. Chủ đầu tư và hai huyện phải kiểm tra, rà soát lại tất cả những cam kết với dân để thực hiện. Ðối với các hộ đã bán nhà, quay trở về lòng hồ, cần xem bản chất cụ thể như thế nào để giải quyết. Ðối với những hộ chưa bán nhà, cần tăng cường vận động người dân kiên quyết không quay lại vùng lòng hồ. UBND hai huyện Tương Dương và Thanh Chương cũng phải kiên quyết ngăn chặn tình trạng các em học sinh theo bố mẹ phải bỏ học, bảo đảm cho các em được đến trường, được sinh hoạt vui chơi.

ÐỀ nghị UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo xây dựng đề án chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để cuộc sống của bà con ở khu vực tái định cư thủy điện Bản Vẽ được ổn định. Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An xây dựng đề án tái trồng rừng vùng tái định cư; UBND các huyện, chủ đầu tư tăng cường phối hợp, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh; Sở Nội vụ phối hợp giải quyết sớm một số chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ; chủ đầu tư cần phối hợp các cơ quan chức năng, đẩy nhanh tiến độ chia đất, giao đất cho các hộ còn thiếu, lập hồ sơ địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kịp thời sửa chữa một số hạng mục cơ sở hạ tầng xuống cấp; UBND huyện Thanh Chương cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, có các chính sách bảo đảm cuộc sống cho người dân. Về phía huyện Tương Dương, cần tăng cường quản lý trên địa bàn, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân định cư nơi quê mới; giúp đồng bào tái định cư có quyết tâm thoát nghèo, tăng cường đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương, bản làng mới no ấm, hạnh phúc.

"Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về vấn đề tái định cư thủy điện Bản Vẽ. Cơ chế giám sát việc triển khai dự án phải thay đổi, hằng tháng chủ đầu tư và UBND các huyện phải báo cáo những việc đã làm được, những việc chưa làm xong...".

LÊ XUÂN ÐẠI

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

"Chúng tôi chuyển đến khu tái định cư từ tháng 5-2009, nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao đủ đất sản xuất, nhiều nhà, cầu, đường, nước sinh hoạt... đều xuống cấp, hư hỏng, cho nên một số hộ đã bán nhà trở về quê cũ làm ăn. Vấn đề là người dân chưa có một sinh kế bền vững, việc giải quyết chế độ, chính sách của cán bộ chuyên trách, không chuyên trách thuộc các xã di dời còn chậm...".

LÔ KHĂM BÔNG

(Xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An)