Vừa qua, tại xã Xuân Minh (huyện Quang Bình, Hà Giang) xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây. Cụ thể, trong lúc ăn cơm cùng gia đình, ông Triệu Chòi V (sinh năm 1971) mang ra một chai rượu ngâm rễ cây (nghi là cây hoàng đàn) để mọi người cùng uống. Tuy nhiên, chỉ có ba người uống rượu này là ông Triệu Chòi V, bà Phượng Mùi L và anh Phượng Tà Ch. Sau khi uống rượu, ông V có biểu hiện khó thở, buồn nôn rồi sau đó tử vong tại nhà. Còn bà L, anh Ch được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời cho nên đã qua cơn nguy kịch…
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cấp cứu cho bốn nam thanh niên ở xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) bị ngộ độc do uống nhầm rượu ngâm hạt mã tiền. Cụ thể, bốn bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, cơ thể đều tím tái, sùi bọt mép. Các bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch thải độc, an thần cho bệnh nhân và chuyển lên Khoa Điều trị tích cực và chống độc. Hiện, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và sức khỏe đã ổn định. Theo người nhà các bệnh nhân, do chủ nhà lấy nhầm chai rượu ngâm hạt mã tiền vốn để xoa bóp ra uống cho nên đã gây ngộ độc…
Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây “thuốc” khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) khoảng hơn 10%… Đó là những hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Diêm Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: Ở nước ta, việc ngâm rượu với các loại dược liệu, động vật để bồi bổ cơ thể, chữa bệnh đã có truyền thống từ lâu đời. Nhiều loại động vật, thực vật nếu dùng đúng người, đúng bệnh và đúng thời điểm sẽ trở thành những bài thuốc hay trong y học cổ truyền. Nếu dùng không đúng cách thì sẽ gây hại cho cơ thể. Thực tế, nhiều người do nghe tin đồn, tự ý ngâm rượu các loại dược liệu, động vật không rõ nguồn gốc và uống quá nhiều đã dẫn đến suy thận, viêm gan, ung thư dạ dày hoặc tử vong. Do vậy, khi bị ngộ độc rượu trắng do hàm lượng methanol cao hay bị ngộ độc bởi các loại rượu ngâm cây, củ, quả, hạt hoặc động vật có hàm lượng độc tố cao (người uống rượu thường có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mờ mắt,…) thì nên đưa ngay đến các cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu ngâm, người dân không nên mua các loại thảo dược, động vật tại các phiên chợ miền núi không rõ nguồn gốc để ngâm rượu. Ngoài ra, người bán dược liệu thường sử dụng lưu huỳnh để bảo quản, chống ẩm mốc cho nên khi ngâm rượu sẽ phát sinh nhiều loại độc tố.
Hiện nay, nhiều người thích sưu tầm các loại rượu ngâm rễ, lá, củ cây rừng hoặc chuối hột, ba kích, mật nhân, tầm gửi nghiến,… để uống nhằm thỏa lòng đam mê; tăng cường sinh lực. Một số người khác lại cố công sưu tầm những đồ độc, lạ để ngâm rượu như tay gấu, rắn hổ mang chúa nhằm thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng tất cả những loại rượu ngâm này luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nếu không biết bào chế, sử dụng đúng cách và đúng liều lượng.
Trong vai một người muốn mua thuốc bắc về ngâm rượu để mở nhà hàng ăn uống, chúng tôi được một số chủ cơ sở bán dược liệu ở các phố Thuốc Bắc, Lãn Ông, Hàng Vải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tận tình giới thiệu về tác dụng của các loại đương quy, tam thất, đinh lăng cho đến những dược liệu cao cấp như nhân sâm, linh chi hay đông trùng hạ thảo. Giá cả các đồ ngâm rượu cũng có nhiều mức, từ vài chục nghìn đồng/kg như táo mèo cho đến cả triệu đồng/kg nhân sâm Hàn Quốc và đều có sẵn.
Khi được hỏi về các động vật quý hiếm ngâm rượu thì anh H “trọc”, một người chuyên sưu tầm các loại rượu ngâm đẳng cấp ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Nếu muốn mua tay gấu, bào thai hổ hay rắn hổ mang chúa về ngâm rượu thì phải đặt tiền trước. Tôi sẽ mua giúp! Giá tay gấu khoảng 25 triệu đồng/cái, bào thai hổ khoảng hơn 100 triệu đồng/cái…”.
Theo Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Phú Thọ Nguyễn Xuân Thủy, trong y học cổ truyền, người thầy thuốc khi bốc thuốc để ngâm rượu dù là thực vật hay động vật để chữa bệnh, bồi bổ cơ thể phải hiểu rõ quy luật “quân, thần, tá, sứ”. Cụ thể, trong bài thuốc phải biết vị thuốc nào là chính, vị thuốc nào là phụ để từ đó kết hợp theo tỷ lệ nhằm mang lại hiệu quả cao cho người dùng. Tuy nhiên, không phải thứ gì ngâm rượu cũng có công dụng bổ dưỡng, chữa bệnh, nếu ngâm rượu không đúng cách sẽ gây ngộ độc, thậm chí chết người. Hơn nữa, nhiều loại dược liệu, động vật kỵ nhau, nếu ngâm chung cũng sẽ sinh độc tố. Với rượu ngâm động vật phải có độ cồn từ 45 đến 55 độ. Còn rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, khoảng 40 đến 50 độ. Tuyệt đối không dùng rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc để ngâm thuốc. Trước khi dùng rượu thuốc, người sử dụng phải được các lương y thăm khám, chẩn đoán bệnh chính xác. Dựa trên kết quả thăm khám, các thầy thuốc sẽ lựa chọn các vị thuốc phù hợp để bốc theo thang thuốc và hướng dẫn quy trình ngâm rượu uống an toàn, hiệu quả.
Để hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia, nhất là các loại rượu ngâm không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của các loại rượu này. Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở sản xuất rượu dược liệu đã công bố và không công bố tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường. Kiên quyết loại bỏ các loại rượu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng. Tuyệt đối cấm những người dưới 18 tuổi; hạn chế với những người có tiền sử các bệnh tim mạch, huyết áp,… sử dụng rượu, bia. Nghiên cứu, ban hành các quy định xử phạt bổ sung đối với các hành vi mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại rượu giả, rượu không có nguồn gốc xuất xứ…