Mục tiêu mà các đối tượng hướng đến là phụ nữ, người có tuổi có tài sản giá trị như điện thoại đắt tiền, đồ trang sức quý giá.
Vừa qua, trong lúc làm nhiệm vụ tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi-Hoàng Văn Thụ, nghe tiếng tri hô cướp, Thiếu tá Lê Thanh Tâm và Đại úy Nguyễn Hoàng Anh thuộc Đội Cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (PC08), Công an thành phố Hồ Chí Minh đã dùng mô-tô đặc chủng truy đuổi và bắt giữ đôi nam nữ cướp giật điện thoại di động của người dân. Tại cơ quan công an, đôi nam nữ khai nhận là Trần Văn Phú Quý (28 tuổi, quê Tiền Giang) và Võ Thị Kim Tuyến (25 tuổi, ngụ quận 4). Vụ việc đã được bàn giao cho Công an quận Tân Bình điều tra, xử lý theo quy định.
Trước đó, tại thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) liên tiếp xảy ra các vụ cướp giật dây chuyền vàng của các phụ nữ vào buổi tối tại những đoạn đường ít người qua lại. Thủ đoạn của đối tượng là giả vờ hỏi đường rồi lợi dụng người bị hại sơ ý để giật dây chuyền rồi nhanh chóng tẩu thoát. Khi những người bị hại đến trình báo đều không nhớ đặc điểm, phương tiện của đối tượng sử dụng gây án. Xác định các vụ án xảy ra có tính chất nghiêm trọng, đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản của những người đang tham gia giao thông, rất manh động và liều lĩnh.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ, chiến sĩ công an đã xác định đối tượng nghi vấn là Cù Việt Hà (sinh năm 1986, thường trú tại khu 3, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), là đối tượng không có công ăn việc làm; nhiều tiền án về hành vi chiếm đoạt tài sản. Sau khi gây ra các vụ cướp giật tài sản, Hà trốn xuống Hà Nội.
Các cán bộ Công an thị xã Phú Thọ đã phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ được đối tượng Hà khi đang lẩn trốn tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Tại cơ quan công an, Hà khai nhận đã thực hiện 5 vụ cướp giật dây chuyền vàng tại thị xã Phú Thọ. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Thọ đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cù Việt Hà về tội cướp giật tài sản.
Thượng tá Ngô Đức Thành, Trưởng Công an thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) trao đổi, để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này, Công an thị xã đã tăng cường tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; tích cực triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cướp giật tài sản.
Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần bình tĩnh phản ánh thông tin đến lực lượng công an nơi gần nhất, hoặc gọi đến số 113. Người dân không nên dừng, đỗ xe nơi tối vắng, nếu phải qua khu vực này nên đi từ 2 người trở nên; không nên vừa đi xe máy vừa nghe điện thoại di động, bởi vừa vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vừa tạo sơ hở để bọn cướp giật thực hiện hành vi phạm tội. Nếu phải vận chuyển số tiền lớn thì nên dùng xe chuyên dụng, ô-tô hoặc ta-xi và bố trí đủ người đi cùng bảo vệ.
Khi tham gia giao thông, người dân không nên đeo nhiều trang sức có giá trị cao như lắc, dây chuyền vàng. Nếu mang túi xách nên bỏ vào cốp xe hoặc móc chặt vào xe và buộc kỹ càng. Trên đường đi nếu phát hiện có đối tượng nghi vấn bám theo thì chạy xe chậm sát lề đường hoặc tấp vào nơi đông người. Khi rút tiền ở ngân hàng, cây ATM nên có người đi cùng và cảnh giác quan sát. Khi bị cướp giật, người dân không nên đuổi theo đối tượng vì dễ xảy ra tai nạn, nên chú ý quan sát đặc điểm nhận dạng, phương tiện, biển kiểm soát xe của đối tượng; hô hoán để mọi người chung quanh hỗ trợ; đồng thời đến cơ quan công an trình báo ngay sự việc.
HIẾU ĐỨC LONG
Các đối tượng cướp giật thường lợi dụng đêm khuya, khu vực ít người qua lại để chặn đầu xe của nạn nhân rồi cướp giật; lợi dụng sự sơ hở của người sử dụng điện thoại trên đường phố hoặc có tài sản giá trị để tiếp cận gây án. Chúng cũng thường sử dụng xe phân khối lớn áp sát “con mồi”; đeo bám những người vừa rút tiền từ ngân hàng, cây ATM đến địa điểm thuận lợi thì tăng tốc độ giật túi đựng tiền. Nếu bị truy đuổi thì đồng bọn của đối tượng sẽ thực hiện hành vi ngăn cản gây khó khăn cho người truy bắt. Ngoài ra, các đối tượng còn hay dàn dựng tai nạn giao thông; hỏi địa chỉ đường phố; gây mâu thuẫn đánh nhau... rồi thừa cơ hội cướp giật tài sản của người bị hại.
Thượng tá TRỊNH THỊ THÚY LIÊN (Bộ Công an)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cá nhân có hành vi cướp giật tài sản mà không cần căn cứ vào giá trị tài sản đều có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào tính chất, nguyên nhân, giá trị tài sản, tình tiết thực tế của vụ án mà người phạm tội có thể phải chịu phạt tù từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt tù từ 3 năm đến 10 năm thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; dùng thủ đoạn nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát; phạm tội với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; tái phạm nguy hiểm,…
Luật sư BÙI ĐÌNH BẢN (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)