Sớm giải tỏa áp lực cho vụ đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông xuân năm 2021-2022 ở đồng bằng sông Cửu Long đang cùng lúc phải đối mặt nhiều thách thức. Nếu như những năm gần đây, vụ đông xuân chỉ đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn, hạn hán, thì năm nay phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức lớn. Đó là dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xâm nhập mặn, giá phân bón liên tục tăng cao và khó đoán định được thị trường ở thời điểm thu hoạch rộ do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Nông dân TP Cần Thơ thu hoạch lúa đông xuân năm ngoái.
Nông dân TP Cần Thơ thu hoạch lúa đông xuân năm ngoái.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cần khẩn trương xuống giống sớm để phòng tránh, giảm đến mức thấp nhất nguy cơ thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán, tạo điều kiện cho nông dân ra đồng vừa sản xuất vừa bảo đảm phòng, tránh dịch bệnh. Trong tháng 11, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung xuống giống 700 nghìn ha, diện tích còn lại cố gắng làm trong tháng 12. Chú trọng sản xuất các nhóm giống lúa chất lượng cao, đặc sản, lúa thơm, nếp... do có thị trường rộng mở.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, vụ lúa đông xuân năm 2021-2022, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 190 nghìn ha, cần sử dụng 133 nghìn tấn phân bón và gần 2.100 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, hiện tại giá vật tư đầu vào, nhất là giá phân bón tăng mạnh khiến người nông dân lo lắng. Thời điểm hiện tại, nông dân tỉnh Long An cũng đang bước vào gieo sạ vụ đông xuân 2021-2022. Khảo sát giá phân bón tại thị trường Long An cho thấy, giá các loại phân bón đang ở mức rất cao, nhiều loại phân bón đã có mức tăng gấp hơn hai lần so với thời điểm cuối năm 2020. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, giá phân bón tăng cao ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, bởi phân bón chiếm từ 20 đến 25% chi phí sản xuất.

Theo ghi nhận, giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã tăng trung bình từ 10% đến 30% so với năm trước, một số loại tăng đến 50%.

Theo các chuyên gia dự báo, giá phân bón trong nước có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi những tác động khách quan từ giá dầu, nguyên nhiên liệu sản xuất cũng như giá nhập khẩu phân bón. Cũng theo dự báo của Cục Hóa chất (Bộ Công thương), phân bón đang trong chu kỳ tăng giá và dự báo sẽ tiếp tục giữ ở mức cao đến hết năm bởi nguồn cung trên thế giới và khu vực đang thiếu hụt, các chi phí, nguyên liệu sản xuất đều tăng giá mạnh.

Trước tình hình giá phân bón tăng cao, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2021 - 2022 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Tổng cục Thủy lợi dự báo sẽ đến sớm và tác động sâu hơn so với mức trung bình nhiều năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm sự thành công cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm.

Thông tin từ FAO và các tổ chức khác cho thấy nhu cầu lương thực vẫn đang tăng lên trên toàn cầu. Năng suất lúa của Việt Nam đã ở mức rất cao, do đó dư địa tăng năng suất không còn nhiều. Muốn tăng hiệu quả sản xuất của nông dân, tăng sức cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam thì chỉ bằng cách tập trung nâng cao chất lượng và giảm giá thành.

Bàn về vấn đề giảm giá thành sản xuất lúa, chuyên gia của Cục Trồng trọt cho biết, việc giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu giảm lượng giống sử dụng xuống từ 100 đến 120 kg/ha, cùng với việc áp dụng biện pháp kỹ thuật giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận trồng lúa sẽ cao hơn khoảng 10%.

Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng sẽ giúp năng suất và chất lượng lúa gạo, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu. Đồng thời, Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo với người dân cần đẩy mạnh áp dụng gói kỹ thuật “một phải năm giảm” một cách đồng bộ. Tăng cường bón lót phân hữu cơ, sử dụng các dạng phân ure chậm tan để chống thất thoát đạm, gieo sạ thưa hợp lý, tưới theo phương pháp “nông - lộ - phơi” và theo sổ tay hướng dẫn tưới tiết kiệm nước của Tổng cục Thủy lợi ban hành.

Hiện nay, các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp bảo đảm nguồn cung phân bón, bình ổn thị trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng tăng giá, bán hàng không bảo đảm chất lượng, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, đơn vị đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với nhiều nhà máy sản xuất phân bón trên địa bàn. Cùng đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất để bảo đảm nguồn cung trên thị trường. Theo Cục Bảo vệ thực vật, để góp phần quan trọng trong việc cân bằng giá phân bón, làm giảm đà tăng giá, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều đã tăng sản lượng sản xuất phân bón từ 15% đến 30%, bảo đảm cung ứng phân bón đủ cho sản xuất nông nghiệp.