Bà Phạm Như Hoa ở TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, cháu trai bà đang là học sinh lớp 9 tại một trường trung học cơ sở. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cháu được cô chủ nhiệm thông báo đến trường làm test nhanh Covid-19 trước ngày trở lại lớp, để phòng tránh lây lan dịch ở trường. Tất cả học sinh các khối, lớp, cấp học và cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường trong toàn tỉnh, ước tính khoảng hơn 250.000 người, đều phải xét nghiệm. Như vậy, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phải chi khoảng hơn 10 tỷ đồng cho việc xét nghiệm này.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ ngày 8/2, các cán bộ, giáo viên và học sinh tỉnh Đồng Nai trước khi quay lại trường phải xét nghiệm nhanh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính do cơ sở y tế thực hiện trong 72 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm. Nhiều trường ở các tỉnh: Thanh Hóa, Bình Dương cũng yêu cầu tất cả học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường học. Tại Trường trung-tiểu học Pétrus Ký, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), dù thuộc “vùng xanh” nhưng vẫn yêu cầu toàn bộ học sinh tiểu học xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường và xét nghiệm định kỳ hai tuần một lần sau đó. Chi phí xét nghiệm này do phụ huynh chi trả. Hơn 4.000 sinh viên Đại học Huế (Thừa Thiên Huế) cũng được trường yêu cầu xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường.
Ở một số địa phương khác có số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tương đối cao như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hầu hết các trường không yêu cầu bắt buộc học sinh xét nghiệm Covid-19 trước khi trở lại trường học. Một số trường khuyến khích phụ huynh học sinh tự xét nghiệm cho con trước khi đến lớp. Thực tế, qua xét nghiệm sàng lọc, đã phát hiện một số học sinh, giáo viên nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho tất cả học sinh và thầy cô giáo, hoặc yêu cầu phụ huynh tự xét nghiệm cho con rồi gửi kết quả cho giáo viên, thậm chí yêu cầu học sinh xét nghiệm Covid-19 định kỳ 2 tuần/lần là việc làm không cần thiết, tốn kém về kinh tế nhưng không mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch. Xét nghiệm còn gây căng thẳng, áp lực cho học sinh, bất tiện cho nhà trường và phụ huynh.
Theo PGS,TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, một người có kết quả âm tính hôm nay, đang trong giai đoạn ủ bệnh, hoặc sau đó tiếp xúc với F0 thì vẫn có thể dương tính sau vài ngày. Chưa kể, độ chính xác của test nhanh không quá cao, dễ để lọt một số ca bệnh. PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, chỉ nên yêu cầu xét nghiệm Covid-19 những trường hợp: có tiền sử tiếp xúc với F0 hoặc nghi ngờ tiếp xúc với F0; có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất khứu giác hoặc triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 khác, không nên xét nghiệm tràn lan.
Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho rằng: Chỉ cần xét nghiệm những trường hợp có triệu chứng hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0. Thay vì xét nghiệm tràn lan, nhà trường và học sinh cần thực hiện đúng các hướng dẫn của cơ quan y tế trong công tác phòng, chống dịch. Học sinh đến trường buộc phải đeo khẩu trang, vệ sinh tay và đo thân nhiệt.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cũng không có quy định bắt buộc về việc xét nghiệm Covid -19 cho học sinh trước khi trở lại trường.