Ông Lý Văn Thanh tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên mong muốn tách thửa đất rừng sản xuất thành hai thửa. Hồ sơ đã hoàn thiện và gửi Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Phúc Yên. Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Phúc Yên đã viện dẫn Văn bản số 1161 ngày 28/4/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc để tạm dừng tiếp nhận hồ sơ và thông báo ông Thanh đến Bộ phận hành chính một cửa để nhận lại hồ sơ.
Tương tự, ông Dương Văn Ân ở thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên cũng muốn tách thửa đất mà gia đình đang ở để lại một phần diện tích đất làm đường đi chung. Tuy nhiên, đối chiếu với Văn bản số 1588 ngày 7/6/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Bình Xuyên cho rằng không đủ cơ sở để giải quyết thủ tục hồ sơ.
Văn bản số 1588 ngày 7/6/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc gửi văn phòng đăng ký đất đai và các chi nhánh nêu: Tạm dừng thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong thời gian chờ Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật trong chia tách thửa đất.
Trong khi đó, Luật Ðất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ việc tách thửa đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền các loại đất là quyền hợp pháp của cá nhân, tổ chức hộ gia đình. Việc tách hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện theo Quyết định số 42/2014/QÐ-UBND ngày 15/9/2014 và được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Quyết định số 28/2016/QÐ-UBND ngày 18/5/2016.
Thế nhưng, Văn bản số 1588 đã làm cản trở việc thực hiện quyền hợp pháp của người sử dụng đất được pháp luật quy định. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật đất đai, pháp luật thanh tra hiện hành không có quy định về tạm dừng chia tách thửa đất và cấp giấy chứng nhận trong thời gian chờ thanh tra có kết luận chính thức.
Ngoài ra, theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không có thẩm quyền tạm dừng văn bản quy phạm pháp luật khi đang có hiệu lực.
Về vấn đề này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, nội dung yêu cầu “tạm dừng” thực hiện các quyền sử dụng đất theo yêu cầu Văn bản số 1588 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã cản trở việc thực hiện các quyền hợp pháp của người sử dụng đất đã được pháp luật quy định là trái pháp luật về đất đai. Ngoài ra, nội dung yêu cầu tạm dừng trong thời gian chờ Thanh tra có kết luận chính thức là không có căn cứ pháp lý, việc dùng văn bản hành chính của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để dừng thực hiện các quy định pháp luật là trái thẩm quyền.
Không những vậy, Văn bản số 1161 ngày 28/4/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu rõ: “Trước mắt tạm dừng tất cả việc tách thửa trên đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp khác, đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản đến khi UBND tỉnh ban hành Quyết định và Quy định cụ thể đối với các loại đất này…”.
Tuy nhiên, khoản 23 Ðiều 1 Nghị định số 148/2020/NÐ-CP ngày 18/12/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai nêu rõ: “UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu”. Như vậy, việc thực hiện tách thửa đối với các loại đất không bị tạm dừng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Thu Hòe, việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản này là trái thẩm quyền, trái quy định vi phạm những điều cấm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định, đồng thời làm gián đoạn việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp huyện, thành phố, văn phòng đăng ký đất đai và chi nhánh đã được giao nhiệm vụ, làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã yêu cầu xử lý nội dung không hợp pháp của hai văn bản này, có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra để bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản.