Vừa qua, tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Khánh Dư (TP Dĩ An, Bình Dương) xảy ra vụ cháy. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an TP Dĩ An và các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh tiếp cận hiện trường, dập lửa và giải cứu năm người. Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng do bị thương quá nặng nên đã tử vong. Trước đó, tại số nhà 146 đường Đinh Công Tráng (TP Vinh, Nghệ An) xảy ra vụ cháy làm sáu người tử vong.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ cháy nhà gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong thời gian gần đây. Qua tìm hiểu, trong chín tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 1.720 vụ cháy và sự cố cháy. Thiệt hại từ các vụ cháy đã làm hơn 70 người chết, hơn 100 người bị thương; tài sản thiệt hại hơn 330 tỷ đồng... Những nguyên nhân các vụ cháy nhà dân chủ yếu do hệ thống điện của gia đình đã cũ, không đáp ứng được việc cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị điện. Ý thức phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận người dân chưa tốt. Các vật dễ cháy, phương tiện (xe máy, ô-tô), dụng cụ chứa xăng, dầu được để gần các thiết bị tiêu thụ điện hoặc gần bếp đun, nấu dễ sinh nguồn nhiệt. Nhiều gia đình tự ý câu mắc điện hoặc lắp đặt và sử dụng các thiết bị điện không đúng quy định. Lưu trữ quá nhiều vật liệu dễ cháy cũng làm tăng nguy cơ cháy nhà...
Theo Đại tá Trần Văn Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc, để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh, các cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh đã tích cực phối hợp các huyện, các xã thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Bộ Công an về mở đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, khu cách ly tập trung, bệnh viện, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời, khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm các quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy. “Vừa qua, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức tập huấn triển khai ra mắt thí điểm ứng dụng chuyển đổi số thông qua App “Báo cháy 114” là việc làm rất cần thiết. Bởi điều đó góp phần giúp người dân có thể thông báo kịp thời, chính xác bằng các hình ảnh, video, âm thanh về các vụ cháy và tai nạn cho cơ quan chức năng” - Đại tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Nhìn nhận nguyên nhân các vụ cháy dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Xuân Sang (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, TP Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, nhiều văn bản pháp luật quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy vẫn còn chậm được rà soát, sửa đổi và bổ sung để phù hợp thực tiễn.
... Trong thời gian cách ly xã hội, người dân lưu ý thực hiện nghiêm các quy định an toàn PCCC trong sử dụng lửa, điện và khí đốt hóa lỏng tại gia đình. Hình thành thói quen quan sát, chuẩn bị lối thoát nạn đề phòng cháy, nổ xảy ra. Khi xảy ra cháy, phải thật bình tĩnh tìm cách xử lý; báo cho mọi người chung quanh biết và tìm cách thoát khỏi đám cháy nhanh nhất; không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, nhà vệ sinh; không dùng thang máy để thoát hiểm... khi bị lửa bén cháy quần áo, phải nằm xuống, lăn qua lăn lại đến khi lửa tắt. Mỗi hộ gia đình cần dự phòng cho mình nhiều lối thoát hiểm, đề phòng khi cháy xảy ra...
(Nguồn: Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ)