Sớm di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư

Đoàn kiểm tra liên ngành Quận 8 vừa tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bao bì nhựa không tên tại địa chỉ số 255-257 đường Trịnh Quang Nghị (Phường 7, Quận 8). Đây là cơ sở bị người dân chung quanh than phiền, vì quá trình hoạt động gây ra mùi khét, tiếng ồn, khiến người dân rất bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày; tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật và hỏa hoạn.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở sản xuất bao bì nhựa không tên tại địa chỉ số 255-257 đường Trịnh Quang Nghị (Phường 7, Quận 8).
Cơ sở sản xuất bao bì nhựa không tên tại địa chỉ số 255-257 đường Trịnh Quang Nghị (Phường 7, Quận 8).

Đoàn kiểm tra đã kiểm tra tính pháp lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở, lấy mẫu nước, đo tiếng ồn để khảo sát mức độ ô nhiễm khu vực chung quanh. Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở rộng khoảng 300 m2 không trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát hiểm, mặc dù đã tồn tại hơn 10 năm.

Bên trong nhà xưởng là hàng chục máy dệt cũ kỹ chạy liên tục, những cuộn sợi nhựa nằm ngổn ngang, các lối đi rất hẹp. Không những gây ra tiếng ồn, mùi khét, cơ sở này còn để nước thải trộn lẫn dầu nhớt đen sì chảy xuống cống thoát nước…

Hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn khá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm xen lẫn với khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho cuộc sống của người dân, như tại Quận 12, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…

Thế nhưng, công tác xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do bất cập trong quy định pháp luật, chế tài chưa đủ sức răn đe.

Có không ít cơ sở vi phạm chấp nhận xử phạt; sau đó, không khắc phục mà di chuyển cơ sở, nhà xưởng đến nơi khác hoặc thay đổi pháp nhân, tiếp tục hoạt động. Một số trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt hành chính (không đóng phạt, không khắc phục hậu quả) nhưng cũng rất khó giải quyết dứt điểm.

Lý do là bởi, nếu bên vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế thi hành, tuy nhiên việc cưỡng chế lại vướng nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian như phải khấu trừ lương, thu nhập, nếu không khấu trừ được thì kê biên tài sản để bán đấu giá... và cần sự phối hợp, xác minh của ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng…

Theo các chuyên gia, việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Thành phố cần rà soát, cập nhật đầy đủ số lượng cơ sở sản xuất trong khu dân cư, nhất là các cơ sở gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (dệt may, nhựa, nhuộm, hóa chất, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm…).

Từ đó, lập báo cáo, thống kê những cơ sở, ngành nghề nào cần phải di dời, những đơn vị nào không cần di dời. Nếu các cơ sở không thuộc diện phải di dời và có nguyện vọng ở lại thì phải cam kết cải tiến, chuyển đổi công nghệ sản xuất hoặc ngành nghề khác không gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp đó, xác định địa điểm di dời phù hợp, khu vực tập trung cùng loại ngành nghề gây ô nhiễm môi trường hoặc có cùng tính chất ô nhiễm…

Về lâu dài, thành phố cần sớm có kế hoạch phát triển, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp với cơ sở hạ tầng được xây lắp hoàn thiện, diện tích mặt bằng được thiết kế phù hợp vì phần lớn các cơ sở sản xuất cần di dời đều có quy mô nhỏ.

Có chính sách hỗ trợ về giá thuê đất, mặt bằng, vốn vay… để khuyến khích các cơ sở sản xuất di dời vào những khu vực này. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, kinh doanh gây ra ở các khu dân cư; cũng như giúp các cơ sở này ổn định lâu dài hoạt động sản xuất và chấp hành đúng quy định pháp luật.