Sản xuất lúa gạo theo hướng xanh, bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm của quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt lúa gạo. Hiện nay, việc sản xuất lúa gạo theo hướng xanh, bền vững đang là mục tiêu phấn đấu của cả vùng nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng chất lượng hạt gạo và bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thu hoạch lúa. (Ảnh Phong Linh)
Người dân ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thu hoạch lúa. (Ảnh Phong Linh)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hơn 10 năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu. Mặc dù vậy, một số chuyên gia đánh giá, hiện nay, cây lúa của vùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu khiến địa bàn sản xuất có thể bị thu hẹp dần. Bên cạnh đó, chất lượng lúa gạo, sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu của sản phẩm trong vùng chưa cao.

Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, sử dụng chưa hợp lý, thiếu tiết kiệm vật tư đầu vào, nhất là thâm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và chậm áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, liên kết, chế biến và xuất khẩu... cũng là rào cản khiến việc sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long chưa được như kỳ vọng.

Để hướng tới sản xuất lúa gạo theo hướng xanh, bền vững, hiện nay các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều giải pháp như đưa vào sản xuất các giống lúa chịu mặn cho vùng ven biển; ứng dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” nhằm tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều địa phương có nền tảng chuyển đổi, cấu trúc lại ngành nông nghiệp. Xuất hiện các mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị, thuận thiên như tôm-lúa ở bán đảo Cà Mau, chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh tại các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên...

Để bảo đảm tăng trưởng xanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp các địa phương hỗ trợ nông dân đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản xuất lúa bền vững, lúa hữu cơ; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác,...

Ông Nguyễn Văn Mười (quận Bình Thủy, Cần Thơ) cho biết, ông và nhiều hộ trồng lúa đã có ý thức trong việc trồng lúa vừa bảo đảm năng suất, vừa bảo vệ môi trường. Hiện nay, phương pháp tưới ngập-khô xen kẽ đang được áp dụng nhiều nơi đã giúp nông dân tiết kiệm nguồn nước, hạn chế dịch hại, giảm số lần bón phân. Chính vì thế, chi phí sản xuất của nông dân được giảm đáng kể và cây lúa có năng suất, chất lượng cao.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, nông nghiệp xanh, giảm phát thải tại châu thổ Cửu Long được xem là định hướng quan trọng, hướng đến bền vững, trong đó tuần hoàn nông nghiệp cần được ưu tiên.

Trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Startup lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp mới đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố trong khu vực đã ký cam kết giảm phát thải trong nông nghiệp; từ năm 2023 sẽ chuyển dịch mạnh mẽ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi theo hướng khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí methane; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức trong nước và nước ngoài tham gia giảm phát thải khí methane.

Trong báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố, sản xuất lúa gạo được xem là một trong năm nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính; đồng thời đưa ra khuyến nghị cho việc nghiên cứu chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam thông qua hướng tới sản xuất lúa gạo carbon thấp và truyền tải thông điệp hướng tới sản xuất lúa gạo xanh.

Hiện nay, dự thảo đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gấp rút hoàn thiện. Đây là một nội dung nhằm thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng những vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nếu hệ thống canh tác lúa hiện tại không thay đổi mà tiếp tục được duy trì thì thu nhập người nông dân sẽ không cải thiện, chưa kể gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và đặc biệt là gây ảnh hưởng đến môi trường, khiến cho quá trình biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn.

Chính vì thế, tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế. Người nông dân và ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất gạo giảm phát thải khí nhà kính. Theo một số chuyên gia, vấn đề khó nhất trong việc thực hiện đề án là chuyển đổi nhận thức của nông dân, chính quyền và doanh nghiệp. Mục đích chính của đề án là sản xuất giảm phát thải và hy vọng trong tương lai gần, việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững gắn với tăng trưởng xanh sẽ không phải câu chuyện của chỉ một triệu héc-ta.