Quy định người bệnh được thanh toán trực tiếp thuốc, vật tư y tế chỉ là giải pháp tình thế

Theo Thông tư số 22/2024/TT-BYT, từ ngày 1/1/2025, nếu các bệnh viện không cung cấp đủ thuốc, vật tư y tế thì người bệnh sẽ được kê đơn và được Bảo hiểm Y tế thanh toán. Tuy nhiên Bộ Y tế khẳng định đây chỉ là giải pháp tình thế để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người bệnh phải tự bỏ tiền túi mua thuốc ngoài để điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 30/10, Bộ Y tế phổ biến Thông tư số 22/2024/TT-BYT ngày 18/10/2024 của Bộ Y tế quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người bệnh bảo hiểm y tế. Thông tư được dư luận cũng như các cơ sở y tế các tuyến đặc biệt quan tâm và đã có nhiều ý kiến đóng góp để các quy định được chặt chẽ và có tính thuyết phục hơn.

Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện từ sau dịch Covid-19 đến nay. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế, khi họ đóng tiền bảo hiểm y tế hằng tháng nhưng khi đi khám, chữa bệnh vẫn phải bỏ tiền mua thuốc và vật tư.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư đã được phân tích, làm rõ mấy năm qua nhưng vẫn chưa có hồi kết. Nhiều bệnh viện cho rằng do những vướng mắc trong thủ tục hướng dẫn đấu thầu, tâm lý ngại mua sắm khi cơ chế còn vướng; nguồn cung đứt gãy; thuốc, vật tư y tế, nhất là danh mục thuốc hiếm… là mặt hàng đặc thù, cho nên ngay cả trong trường hợp các cơ sở y tế đã thực hiện tất cả các giải pháp mua sắm, đấu thầu vẫn có nguy cơ thiếu thuốc, vật tư.

Theo quy định tại Thông tư số 22, để được thanh toán trực tiếp thuốc, vật tư y tế phải đáp ứng các điều kiện khá chặt chẽ. Tuy nhiên, ngay trong quá trình xây dựng chính sách cũng có ý kiến cho rằng thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội thì cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan bảo hiểm xã hội nhằm giảm thủ tục cho người bệnh.

Bộ Y tế đang kiến nghị sửa đổi tại Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế lần này, nếu được Quốc hội thông qua, bệnh nhân sẽ có hai lựa chọn: Thanh toán trực tiếp với cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh sẽ thanh toán lại với cơ quan BHXH; trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không ký hợp đồng với bảo hiểm y tế, thì người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trước những quy định cụ thể trong Thông tư số 22, nhiều bệnh viện đã đặt ra các tình huống, nhất là lo lắng bị bệnh nhân kiện vì không bảo đảm việc khám, chữa bệnh. Đại diện các bệnh viện đề xuất để người bệnh được thanh toán với bệnh viện, sau đó, bệnh viện thanh toán với bảo hiểm xã hội.

Đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, mặc dù Thông tư số 22 đã giải quyết được nhiều nội dung, nhưng với những đơn vị tuyến cuối vẫn còn bất cập. Đối với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua, dù bệnh viện nỗ lực hết sức nhưng vẫn có lúc không đủ thuốc cho người bệnh. Là đơn vị tuyến cuối, cho nên có những trường hợp dù thiếu thuốc điều trị, nhưng cũng không thể chuyển người bệnh đi cơ sở y tế khác. Phần lớn người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, mà thuốc đó lại không trong danh mục thuốc hiếm theo quy định Điều 2 Khoản 3 và Điều 1 Khoản 2 của Thông tư số 22. Do vậy vị đại diện này mong có những quy định chuyên sâu và sát thực tế với bệnh viện hơn, nhất là những bệnh viện tuyến cuối.

Đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đưa ra ý kiến, nếu trong trường hợp bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân phải mua bên ngoài tại các cơ sở bán lẻ kinh doanh thuốc thì giá mua sẽ cao hơn so với giá trúng thầu tại bệnh viện. Vậy khi người bệnh thanh toán với bảo hiểm y tế, có được thanh toán với giá mua bên ngoài không? Đối với một bệnh nhân điều trị dài ngày thì số tiền chênh lệch mua bên ngoài khá lớn, vậy số tiền chênh lệch này sẽ giải quyết thế nào?

Trước nhiều ý kiến của cơ sở khám, chữa bệnh, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thuốc, thiết bị y tế là cấu phần quan trọng trong khám, chữa bệnh cũng như thanh toán bảo hiểm y tế. Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời cho người bệnh. Điều này dẫn đến tình trạng người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở khám.

Thực tế, tại bất kỳ thời điểm nào, việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn có thể xảy ra bởi những nguyên nhân khách quan như đã thực hiện đấu thầu nhưng không có đơn vị trúng thầu; hoặc đã ký hợp đồng cung ứng với nhà thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế cho người bệnh, nhà cung cấp không cung ứng được do thiếu nguồn cung hay hàng hóa về chậm…

Hiện nay đã có các quy định về thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh giữa cơ quan BHXH và người tham gia bảo hiểm y tế đối với trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh không đúng trình tự thủ tục theo quy định. Các trường hợp thanh toán trực tiếp khác, Luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế quy định. Do vậy, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22 để bảo đảm quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế khi cơ sở khám, chữa bệnh không có thuốc, thiết bị y tế để điều trị.

Đáng chú ý, các thuốc thiếu do cơ sở y tế không mua sắm, không cung ứng được hầu hết rơi vào nhóm thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc ít nguồn cung trên thị trường. Trong khi đó, điều kiện áp dụng Thông tư rất chặt chẽ, không thực hiện đúng sẽ có nhiều vướng mắc. Vì thế, Bộ Y tế lưu ý các bệnh viện cần xem xét cụ thể, trường hợp nào, điều kiện nào được áp dụng Thông tư số 22 để kê đơn cho người bệnh mua thuốc bên ngoài.

Để tránh việc lạm dụng, trục lợi trong việc kê đơn chỉ định người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm đôn đốc, thanh tra, kiểm tra việc mua sắm, bảo đảm có sẵn thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế. Mặt khác tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh xảy ra hiện tượng lạm dụng, trục lợi trong việc kê đơn chỉ định người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thông tư số 22 là một bước đi mới trong việc bảo vệ quyền lợi của người bệnh khi các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư kéo dài nhiều năm, song đây vẫn là giải pháp tình thế, còn giải pháp bền vững vẫn là các bệnh viện phải chủ động tổ chức mua sắm, bảo đảm cung cấp đủ thuốc, vật tư, thiết bị y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế.