Vào buổi chiều nghiệt ngã ấy, anh Lê Tiến S. (sinh năm 1988) thấy có hiện tượng đau đầu dữ dội, tê bì chân, tay. Trên đường đến cấp cứu, anh đã mất ý thức, hôn mê, co giật chân tay và ngừng thở, ngừng tim. Khi vào Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh đã trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện. Ngay lập tức, phương án cấp cứu ngừng tuần hoàn tích cực được triển khai và nhịp tim của người bệnh đập trở lại, tái lập được tuần hoàn tự nhiên, nhưng vẫn hôn mê sâu. Người bệnh được chuyển sang Trung tâm Đột quỵ và chụp MSCT mạch não, hội chẩn và chẩn đoán là hôn mê, ngừng tuần hoàn ngoại viện do chảy máu dưới nhện lan tỏa mức độ nặng, nghi ngờ do vỡ dị dạng mạch não.
Hội đồng hội chẩn đa chuyên khoa quyết định chụp mạch số hóa xóa nền tìm căn nguyên chảy máu, phát hiện túi phình động mạch đốt sống phải vỡ. Người bệnh đã được can thiệp nút tắc túi phình cấp cứu bằng Coils. Sau can thiệp, người bệnh vẫn hôn mê sâu, sốt cao liên tục, không đáp ứng với điều trị, mặc dù được tiến hành hồi sức, chống phù não, kiểm soát điện giải, kiểm soát thân nhiệt bằng biện pháp tích cực, được chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị tiếp.
Sau chín ngày, tình trạng người bệnh không cải thiện, thậm chí hôn mê sâu dần, mất các phản xạ. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức. Qua nhiều cuộc hội chẩn toàn viện, với nhận định người bệnh có nguy cơ cao chết não đến gần, bệnh viện đã giải thích và trao đổi với gia đình người bệnh về chương trình hiến mô, bộ phận cơ thể người với mục đích mang lại sự sống cho những người bệnh suy tạng cũng như ý nghĩa nhân văn cao đẹp là cứu người, “cho đi là còn mãi”. Gia đình người bệnh đã thấu hiểu những lời chia sẻ của các y, bác sĩ, nhân viên y tế, hiểu rõ quá trình tận tâm, tận lực cứu người của tập thể thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, nên đã bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng để cứu người, mang lại sự sống cho những người khác.
Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đây là sự hy sinh quý giá, thể hiện lòng nhân ái, đem lại phép màu cho những người bệnh đang chịu đau đớn, tuyệt vọng. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, người bệnh đã được đánh giá chết não theo đúng quy trình nghiêm ngặt. Qua ba lần đánh giá, từng dấu hiệu, từng triệu chứng, thông số lâm sàng, cận lâm sàng… đều được Hội đồng chẩn đoán chết não xem xét rất cẩn trọng, trước khi người bệnh được kết luận chết não.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, thầy thuốc các bệnh viện: Hữu nghị Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Bạch Mai, Trung ương Huế đã phối hợp phẫu thuật lấy tạng của người hiến để ghép cho người nhận. Đáng chú ý, với sự hỗ trợ kịp thời của Hãng hàng không Vietjet, trái tim được vận chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành ghép cho một người bệnh suy tim. Gan được chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để ghép cho người bệnh suy gan. Hai thận được các thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sang triển khai ghép ngay tại Bệnh viện Bạch Mai cho hai người bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Cuộc “chuyển giao sự sống” tại Bệnh viện Bạch Mai trải qua một hành trình đầy thử thách nhưng vẫn đạt kết quả như mong muốn.
GS,TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thông tin thêm, bệnh nhân ghép tim trước đây đã hai, ba lần được kết nối, nhưng trái tim của người hiến tặng không phù hợp, sự sống ngày càng mong manh. May mắn đã mỉm cười, lần này trái tim của người hiến tặng và người nhận hoàn toàn phù hợp. Ca ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế đã ghi những kỷ lục mới, khi chỉ mất 4 giờ 30 phút, quả tim được lấy từ người hiến (ở Hà Nội) và ghép cho người nhận (ở Thừa Thiên Huế); chỉ mất hơn 50 phút sau ghép, quả tim đã đập trở lại trong cơ thể mới; chưa đầy 48 giờ sau ghép tim, bệnh nhân đã ổn định, ăn, ngồi dậy được.
Đến hội trường Bệnh viện Bạch Mai từ sớm, ông Lê Tấn Sáu, bố đẻ của Lê Tiến S., ngồi lặng lẽ trong nỗi đau mất con. Được chứng kiến các thầy thuốc cúi đầu tri ân con trai trước khi lấy tạng và cả hội trường dành phút tưởng niệm… rồi trái tim của con trai ông đã đập trở lại trong cơ thể người nhận… có lẽ, ông cũng nguôi ngoai phần nào. Nén nỗi đau, ông Sáu chia sẻ, sau khi nghe các y, bác sĩ giải thích về tình trạng của con, gia đình, người thân tưởng như sụp đổ vì đau buồn. Nhưng xác định bệnh của con quá nặng, không thể phục hồi, ông đã bàn bạc với gia đình và đồng ý hiến đa tạng của con trai với suy nghĩ “cho đi là còn mãi”. Nhờ các bác sĩ, con ông đang sống lại trong hình hài người khác. Với gia đình, con trai ông vẫn còn sống.
Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai triển khai thành công kỹ thuật lấy đa tạng để ghép cho những người đang suy tạng giai đoạn cuối. Cùng với người bệnh được ghép tim, người được ghép gan, hai bệnh nhân được ghép thận cũng đã ổn định, phục hồi tốt và cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Thành công của ca lấy ghép đa tạng đã đánh dấu bước phát triển mới của Bệnh viện Bạch Mai. Thời gian tới, bệnh viện sẽ đẩy mạnh các hoạt động để thúc đẩy phong trào hiến tạng sau khi chết não để đem lại hy vọng kéo dài sự sống cho những người bị suy tạng không có khả năng phục hồi ■