Vẫn dai dẳng chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế

Giám đốc các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc thiếu thuốc, vật tư y tế diễn ra cục bộ, tùy thời điểm, tùy mặt hàng, nhưng nhìn chung vẫn tồn tại những khó khăn nhất định.
0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ khoa xét nghiệm, Bệnh viện Ðại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy trình xét nghiệm cho người bệnh.
Bác sĩ khoa xét nghiệm, Bệnh viện Ðại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy trình xét nghiệm cho người bệnh.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên đã chủ trì buổi làm việc với các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình khám, chữa bệnh, cung ứng thuốc và vật tư y tế. Lãnh đạo các bệnh viện đã chia sẻ những khó khăn thực tế trong thời gian qua.

Những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ban hành thời gian gần đây đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế, thậm chí, có quy định được cho là bước tiến vượt bậc như không nhất thiết mua trang thiết bị với giá thấp nhất. Thế nhưng, thực tế tình hình thiếu thuốc vẫn chưa được giải quyết triệt để cho nên còn không ít người bệnh phải mua thuốc bên ngoài.

Hiện nay, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người dân cho y tế chiếm khoảng 45%. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% mới được xem là hệ thống y tế bền vững.

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, là bệnh viện tuyến cuối, phải đối mặt với nhu cầu của người bệnh biến động không ngừng, chỉ đến cuối ngày mới biết khám cho bao nhiêu người. Hiện nay, vấn đề cung ứng thuốc đã tốt hơn so với giai đoạn trước. Lý giải tình trạng thiếu thuốc, ông cho biết có nhiều tình huống dẫn đến thiếu thuốc, kể cả có hợp đồng mà giao không kịp.

Với Bệnh viện Ðại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện bệnh viện cho biết, khó khăn nhất hiện nay của bệnh viện là việc kiểm tra, giám sát khám, chữa bệnh theo toa của Bảo hiểm y tế. Có những bệnh không thể dùng thuốc generic (thuốc công thức) mà phải kê biệt dược gốc, khiến chi phí đội lên rất cao; bệnh viện phải giải trình rất phức tạp. Khó khăn nữa là trường hợp khi đấu thầu chỉ có một báo giá duy nhất, không thể kiểm tra được các tiêu chuẩn chuyên môn. Nếu ở nơi khác có hãng khác báo giá thấp hơn sẽ gây khó cho bệnh viện.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Châu Văn Ðính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh, có một số thời điểm đơn vị thiếu dụng cụ kết hợp xương. Dù có nhiều lời khuyên không nên mua sắm trực tiếp sẽ dễ gặp rủi ro về quy định, nhưng bệnh viện vẫn phải cố gắng mua, vì bệnh nhân không thể chờ. Bên cạnh đó, hiện nay bệnh viện cũng phối hợp những đơn vị khác để chuyển một số người bệnh sang điều trị. Ðây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố nhìn nhận, vấn đề thuốc, vật tư cung ứng là áp lực lớn với các bệnh viện do tình trạng quá tải, có hiện tượng đẩy người bệnh từ tuyến dưới lên hoặc từ cơ sở này sang cơ sở khác. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố hạn chế mua sắm, cho nên người bệnh dồn lên các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là với chuyên khoa tim mạch và chấn thương chỉnh hình. Sở Y tế thành phố nắm bắt tình hình mỗi tuần, đưa ra giải pháp, hỗ trợ điều chuyển thuốc, tổ chức mua sắm cung ứng kịp thời cho người bệnh. Sở Y tế thành phố cũng đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các bệnh viện trong mua sắm điều phối thuốc.

Tình trạng thiếu thuốc chưa được giải quyết triệt để ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người bệnh, kéo theo nguy cơ người bệnh dồn lên tuyến trên khi y tế địa phương không đáp ứng được. Lúc đó, lại tiếp tục quá tải, nối dài chờ đợi, khó khăn lại đổ lên người bệnh và nhân viên y tế-những người trực tiếp khám, chữa bệnh.

Thời điểm này, khi những than phiền về điểm nghẽn đấu thầu đã được giải quyết, hành lang pháp lý đã thông thoáng thì công tác mua sắm, đấu thầu phụ thuộc rất lớn vào việc người đứng đầu các đơn vị sẽ tổ chức thực hiện ra sao. Mỗi sự chần chừ, e ngại, thiếu quyết liệt của từng lãnh đạo bệnh viện, cơ sở y tế có thể sẽ khiến hàng nghìn người bệnh phải chờ đợi phía sau.

Bộ Y tế nói chung và ngành y tế thành phố nói riêng cần rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cho cán bộ thực thi công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.