Đáng nói, nước ta nằm trong 10 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.
Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%, nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%; đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.
Một nội dung quan trọng đang được Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Theo đó, áp dụng thuế hỗn hợp, gồm thuế tương đối, hay còn gọi là thuế theo tỷ lệ phần trăm, giữ nguyên ở mức 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ năm 2026 đến 2030.
Dự thảo đề xuất hai phương án: thứ nhất, sẽ tăng 2.000 đồng/bao thuốc lá ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030; thứ hai, là áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Theo phân tích, hai phương án tăng thuế như đề xuất sẽ làm tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá từ 36% (năm 2024) lên 59,4% (năm 2030), khiến các mặt hàng này có giá thành đắt hơn, dẫn đến việc người tiêu dùng giảm sử dụng thuốc lá.
Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy giá bán thuốc lá hợp pháp tăng mạnh, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ thay thế bằng cách tìm đến thuốc lá lậu, mặt hàng vốn không chịu ảnh hưởng bởi thuế. Do vậy, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp có thể giảm, nhưng tổng lượng tiêu dùng thuốc lá trên thị trường giảm không đáng kể. Vì lẽ đó, phải ngăn chặn triệt để thuốc lá lậu.
Tác hại của thuốc lá nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết.
Hiện nay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi đó chính sách về thuế phù hợp góp phần giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá và qua đó, giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người dân.
Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa; đánh giá đầy đủ tác động của chính sách thuế đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và người lao động để có chính sách phù hợp điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.
Cùng với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, đáng chú ý là phương án áp thuế hỗn hợp, mức thuế tăng để đạt được khuyến cáo 75% giá bán lẻ và tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng lạm phát, tăng thu nhập; bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ và nâng cao các biện pháp quản lý nhà nước, nhất là đẩy mạnh hơn nữa phòng chống buôn lậu thuốc lá, tránh thất thu ngân sách nhà nước.