Cập nhật những tiến bộ mới nhất vào điều trị ung thư thực quản

NDO - Chiều 30/10, Bệnh viện K (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo khoa học “Những tiến bộ của phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trong điều trị ung thư thực quản”, với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ung thư thực quản của quốc tế và đến từ các bệnh viện tuyến trung ương của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo khoa học.
Quang cảnh hội thảo khoa học.

Trao đổi thông tin tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K cho biết, các bệnh ung thư nói chung, ung thư thực quản nói riêng với số lượng ngày càng tăng không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản thường là thuốc lá, rượu. Ngoài ra, béo phì, ít vận động, đặc biệt bệnh nhân có trào ngược dạ dày cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư thực quản.

Triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn sớm rất là "nghèo nàn", chủ yếu biểu hiện của nuốt thay đổi khi bệnh nhân có ăn uống, triệu chứng biểu hiện kín đáo. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiến triển rồi bệnh nhân khó nuốt hoặc là nuốt nhẹ, nuốt đau thì lúc đó gần như là giai đoạn tiến triển tại chỗ của ung thư thực quản.

Điều trị ung thư thực quản phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, miễn dịch và các điều trị đích khác nữa. Đến nay, vai trò của ngoại khoa vẫn là vai trò cơ bản quan trọng trong điều trị ung thư thực quản mang tính chất triệt căn nhất.

Khó khăn của bệnh nhân ung thư thực quản khi đến bệnh viện hiện nay thầy thuốc gặp phải là thường được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển tại chỗ. Nghĩa là khối u tương đối to, bệnh nhân đã có triệu chứng đau khi nuốt khó, nuốt nhẹ; khi thăm khám với phương tiện chuẩn đoán hình ảnh khác đã thấy giai đoạn xâm lấn tất cả các lớp và có những biểu hiện của di căn hạch vùng cổ, vùng bụng…

Vì vậy, điều trị ung thư thực quản giai đoạn tiến triển là rất khó khăn. Các phương pháp điều trị chủ yếu điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật, xạ trị hóa chất kết hợp.

Cập nhật những tiến bộ mới nhất vào điều trị ung thư thực quản ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình trao đổi tại hội thảo khoa học.

Tuy nhiên, cộng đồng cần chủ động giảm các yếu tố nguy cơ như phòng tránh thuốc lá, rượu bia, giảm béo phì, tăng hoạt động, điều trị các bệnh trào ngược dạ dày tốt.

Ngoài ra, những gia đình, những bệnh nhân hoặc người thân đã bị ung thư thực quản, ung thư đường tiêu hóa thì việc sàng lọc phát hiện sớm của những thành viên trong gia đình cần phải sớm hơn so những độ tuổi bình thường, thậm chí có thể trước 40 tuổi.

Đối với sàng lọc và phát hiện sớm ung thư thực quản là rất quan trọng, vì đối với bệnh nhân cơ hội chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống rất tốt có thể nếu được phát hiện sớm. Đối với thầy thuốc, hệ thống y tế ở giai đoạn sớm chi phí điều trị sẽ thấp hơn, tỷ lệ thành công cao hơn cũng như tai biến, biến chứng trong và sau mổ thấp hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình cho biết thêm, hiện nay phẫu thuật robot điều trị ung thư tiêu hóa nói chung và ung thư thực quản nói riêng có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường, đó là: hình ảnh quan sát rõ nét, các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện phẫu tích tỉ mỉ giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác.

Điều này đặc biệt có giá trị trong nạo vét hạch ba vùng trong ung thư thực quản, giúp bảo tồn tối đa các cơ quan trọng yếu trong lồng ngực, nơi tổn thương và biến chứng dễ xảy ra như thần kinh thanh quản quặt ngược, ống ngực, khí phế quản, các mạch máu lớn, từ đó giúp phẫu thuật viên đạt được kết quả tối ưu sau phẫu thuật cả về mặt ngoại khoa và ung thư học.

Đáng chú ý, phương pháp phẫu thuật robot có nhiều ưu điểm vượt trội rõ ràng đó là: bảo đảm thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được bảo đảm.

Việc thực hiện ứng dụng các kỹ thuật mới hiện đại vào điều trị ung thư, đặc biệt là trong phẫu thuật điều trị đã mang lại bước tiến đáng kể cho người bệnh trong quá trình phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cập nhật những tiến bộ mới nhất vào điều trị ung thư thực quản ảnh 2
Giáo sư Xavier Benoit D'Journo trao đổi tại hội thảo khoa học.

Tại hội thảo, Giáo sư Xavier Benoit D'Journo, Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật Lồng ngực-Tim mạch và bệnh lý ung thư thực quản (Cộng hòa Pháp) cùng các chuyên gia trong và ngoài nước cùng trao đổi về các nội dung như: thực hành phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ung thư thực quản; phẫu thuật robot và phẫu thuật nội soi - kinh nghiệm, cách tiếp cận, quản lý tai biến, biến chứng. Cập nhật những tiến bộ mới nhất của phẫu thuật nội soi robot vào điều trị ung thư thực quản, giúp cho người bệnh an tâm, tin tưởng điều trị với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại Việt Nam.

Cùng ngày, tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Giáo sư Xavier Benoit D'Journo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình và các đồng nghiệp cùng trao đổi, hội chẩn và thực hiện phẫu thuật thành công ca phẫu thuật robot ung thư thực quản cho bệnh nhân V.V.N (42 tuổi, tỉnh Hải Dương).

Cập nhật những tiến bộ mới nhất vào điều trị ung thư thực quản ảnh 3

Các chuyên gia trong và ngoài nước phẫu thuật robot ung thư thực quản cho bệnh nhân V.V.N.

Bệnh nhân V.V.N, được chẩn đoán ung thư thực quản và có chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân đã được tư vấn, chỉ định phẫu thuật nội soi bằng robot, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất với rất nhiều ưu điểm vượt trội so với mổ nội soi thông thường như xâm lấn tối thiểu, bảo vệ tối đa tổ chức mô lành chung quanh, kiểm soát mất máu trong mổ tốt, phục hồi nhanh chóng ngay sau mổ.

Ca phẫu thuật nội soi robot, nạo vét hạch ba vùng đã diễn ra thành công, người bệnh được đánh giá sau mổ toàn trạng ổn định.