Ngày 30/10, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Y tế (Cục Quản lý Môi trường Y tế) phối hợp Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Tổ chức Health Care Without Harm (HCWH), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD) và Tổ chức FHI 360 đồng tổ chức hội nghị khoa học quốc tế "Biến đổi khí hậu, sức khỏe và Hệ thống y tế xanh châu Á-Thái Bình Dương" lần thứ 6.
Với chủ đề “Chuyển đổi Hệ thống y tế châu Á hướng đến Hệ thống y tế công bằng, phát thải carbon thấp, và thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu”, hội nghị tập trung nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của ngành y tế trong việc hướng tới công bằng và công lý về sức khỏe thông qua việc thúc đẩy các tiêu chuẩn và chính sách môi trường mạnh mẽ hơn, tái thiết hậu đại dịch và thiên tai, đồng thời huy động các cơ sở và chuyên gia y tế đứng đầu trong các cuộc thảo luận về khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế nêu rõ, biến đổi khí hậu được coi là một thách thức toàn cầu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đặt ra những thách thức đối với việc thực hiện và đạt được Chương trình nghị sự đến 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các mục tiêu về sức khỏe.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Do vị trí địa lý, Việt Nam có nguy cơ cao phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập nước biển, mực nước biển dâng, lũ lụt và bão. Trung bình cả nước hứng chịu sáu đến bảy cơn bão hằng năm, trong đó bão Yagi và bão Trami là những cơn bão gần đây nhất.
Ước tính, tổng thiệt hại do bão Yagi gây ra đối với các cơ sở y tế vượt quá 300 tỷ đồng tương đương 12 triệu USD, ảnh hưởng nặng nề đến gần 1.700 cơ sở y tế trên 13 tỉnh, thành phố. Hơn 33 nghìn ngôi nhà ở tỉnh Quảng Bình, Việt Nam chìm trong nước do bão Trami gây ra.
Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành y tế (2019-2030, tầm nhìn 2050), tiến hành đánh giá tính dễ bị tổn thương và thích ứng, xây dựng năng lực cho nhân viên y tế.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. |
Việt Nam cũng đang tập trung vào chuyển đổi số và công nghệ thông tin, thí điểm mô hình bệnh viện xanh-sạch-đẹp và giảm thiểu rác thải nhựa cùng với mô hình tập hợp các hoạt động thực hành dựa trên bằng chứng để cung cấp nước sạch, vệ sinh sạch sẽ và thực hành vệ sinh tốt một cách bền vững trong nhiều bối cảnh khác nhau (WASH). Những mô hình này thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, bão và lũ lụt...
Năm 2023, Việt Nam gia nhập Liên minh hành động thay đổi về khí hậu và sức khỏe (ATACH) với cam kết phát triển hệ thống y tế có khả năng chống chịu khí hậu và phát thải carbon thấp.
Thứ trưởng Nguyễn Liên Hương cho biết, để đạt được cam kết này, Việt Nam mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước và yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các tổ chức, quốc gia quốc tế để xây dựng các quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực y tế nhằm thực hiện các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;.
Hội nghị gồm 3 phiên toàn thể, 12 phiên song song về các chủ đề liên quan của hội nghị, sẽ là diễn đàn của những chuyên gia hàng đầu thế giới cùng hướng tới xây dựng mạng lưới bệnh viện xanh và lành mạnh toàn cầu, góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu. Hội nghị diễn ra từ ngày 30/10 đến 1/11/2024.