Quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy cần phù hợp thực tiễn

Thời gian qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhưng gần đây vẫn xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ vẫn còn không ít hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00

Nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên có rất nhiều, từ cơ sở hạ tầng phòng cháy, chữa cháy không đủ điều kiện, đến ý thức chủ quan của người dân… Trong đó đáng chú ý là nhiều quy định pháp luật còn thiếu, không đồng bộ giữa các lĩnh vực, một số nội dung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn cháy không rõ ràng, cho nên rất khó áp dụng trong thực tiễn.

Cụ thể, chưa có quy định về cưỡng chế buộc chấp hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy dẫn đến hiệu lực, hiệu quả không cao; chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quản lý, kiểm tra việc sử dụng điện sau công-tơ của các hộ gia đình, cơ sở, trong khi đây là một trong những nguyên nhân chính gây cháy.

Một số quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là đối với các cơ sở chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở gia đình thành nhà cho thuê với hàng chục phòng..., gây khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý đầu tư xây dựng.

Vì thế, để vừa bảo đảm an toàn cháy, nổ, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, các cơ quan chức năng cần rà soát, kịp thời chỉnh sửa các quy định của pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Các bộ, ngành kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến công tác trên đối với một số loại hình cơ sở đặc thù của mỗi địa phương.

Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế, xã hội; đồng thời thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra thuận lợi.

Sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó, trọng tâm về an toàn thoát nạn, ngăn cháy, ngăn khói, trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện cảnh báo cháy nhanh và các công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng đã đưa vào hoạt động.

Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, chất lượng và trật tự xây dựng...

Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần biên soạn tài liệu hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cháy; hủy bỏ các tiêu chuẩn đã quá cũ để xây dựng một hệ thống quy định kỹ thuật đồng bộ, phù hợp. Các chủ đầu tư công trình cần quan tâm đến vấn đề phòng cháy, chữa cháy ngay từ khi thiết kế, lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công đủ năng lực, có chuyên môn phù hợp...