Anh Trần Xuân Hải ở thôn Doa Cũ, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa có 2ha cà-phê chè trồng cách đây hơn 20 năm nên đã thoái hóa, năng suất thấp. Năm 2020, được sự hỗ trợ từ dự án “Xây dựng mô hình tái canh cây cà-phê chè tại Quảng Trị giai đoạn 2020-2022”, anh quyết định trồng lại mới vườn cà phê bằng giống THA1. Đây là giống cà-phê chè có năng suất cao và chống chịu tốt các loại sâu bệnh, sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
Nhờ chăm sóc tốt nên khi thu hoạch, vườn cà-phê tái canh của anh Hải đạt sản lượng khoảng 25 tấn quả tươi/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí ước đạt khoảng 150 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so vườn cà-phê già cỗi trước đó, anh Hải mừng vui ra mặt.
Với lợi thế đất đỏ bazan màu mỡ, độ cao và khí hậu thích hợp nên cà-phê được xem là một trong những cây trồng chủ lực của huyện miền núi Hướng Hóa với diện tích gần 4.000ha, sản lượng bình quân mỗi năm đạt hơn 50 nghìn tấn quả tươi.
Phát triển cây cà-phê có ý nghĩa quan trọng, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có không ít người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô ở các xã đặc biệt khó khăn.
Vườn cà-phê tái canh ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. |
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện miền núi Hướng Hóa Hoàng Đình Bình chia sẻ, cùng với những tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được, thì ngành cà-phê của huyện sản xuất đang thiếu ổn định do tác động của biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ; sản lượng và chất lượng cà-phê thấp do diện tích cà-phê già cỗi ngày càng nhiều thêm; việc áp dụng kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch của người dân còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả sản xuất cà-phê chưa cao.
Trước thực tế này, để giúp người trồng cà-phê cải tạo chất lượng vườn cây, ổn định năng suất, sản lượng, Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa đã thực hiện Đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà-phê chè theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tính đến năm 2025, tập trung vào 10 xã, thị trấn trồng cây cà-phê chủ lực trên địa bàn huyện, gồm: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh với diện tích gần 2.000ha.
Theo đó, xác định giống là khâu quan trọng trong công tác tái canh cây cà-phê. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn liên quan tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền người dân sử dụng giống có nguồn gốc xuất xứ. Phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng và chứng nhận một vườn giống cây đầu dòng, một vườn ươm giống công nghệ cao bảo đảm chất lượng. Phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình thí nghiệm một số giống cà-phê chè có triển vọng trên địa bàn huyện”. Nhờ vậy, giống cà-phê tái canh chủ yếu cà-phê chè catimor, ngoài ra còn có cà-phê THA1.
Vườn giống cà-phê phục vụ tái canh ở Hướng Hóa. |
Từ năm 2017 đến 2023, huyện miền núi Hướng Hóa đã triển khai chương trình tái canh cây cà-phê được hơn 1.000ha. Hầu hết các vườn tái canh đều phát triển tốt, năng suất đạt bình quân 15 tấn quả tươi/ha, cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với các vườn chưa được tái canh. Đặc biệt có vườn cho năng suất đến 25 tấn quả tươi/ha.
Tuy nhiên, diện tích cây cà-phê già cỗi trên địa bàn đang chiếm khoảng 50%. Bức tranh này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng của cà-phê. Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò của cây trồng chủ lực, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người trồng cà-phê, huyện miền núi Hướng Hóa quyết tâm tiếp tục triển khai thực hiện tái canh cây cà-phê. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ thực hiện phục hồi, tái canh hơn 800ha theo hướng đặc sản hữu cơ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa Trần Bình Thuận cho biết, qua kiểm tra thực tế tại các vườn cà-phê sau tái canh đều phát triển tốt, nhiều vườn đã cho thu hoạch, năng suất đạt cao hơn gấp 2 lần so các vườn chưa được tái canh. Để tiếp tục thực hiện tái canh cà-phê theo chủ trương lớn của tỉnh, huyện tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu quy trình tái canh cà-phê đã ban hành để có những điều chỉnh phù hợp thực tiễn sản xuất.
Bổ sung quy trình sản xuất an toàn, VietGap, hữu cơ sinh thái, nông, lâm kết hợp phù hợp yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Tiến hành thử nghiệm một số mô hình sản xuất giống, mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao như tưới tiết kiệm, châm phân tự động; sản xuất cà-phê hữu cơ sinh thái làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn.
Về cây giống, hiện đã chứng nhận 1 vườn cây đầu dòng cà-phê chè Catimor để lấy hạt giống phục vụ tái canh trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cà-phê trên địa bàn. Phối hợp các tổ chức, dự án triển khai một số đề tài, dự án về thử nghiệm, chọn tạo bộ giống mới, chất lượng cao làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu giống sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Vườn cà-phê ở huyện Hướng Hóa sau 3 năm tái canh phát triển xanh tốt, năng suất cao. |
Song song chương trình tái canh cà-phê hiệu quả, nhãn hiệu, thương hiệu cà-phê của vùng đất này luôn được quan tâm. Năm 2017, sản phẩm cà-phê chè Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh” cho sản phẩm cà-phê vùng Hướng Hóa, tạo điều kiện cho đặc sản của địa phương khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Huyện cũng đã xây dựng được 6 sản phẩm cà-phê bột, cà-phê hạt rang được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 5 sản phẩm cà-phê 4 sao và 1 sản phẩm cà-phê 3 sao.
Điều đáng mừng là thương hiệu cà-phê Khe Sanh ngày càng được thị trường quan tâm nhờ kịp thời đổi mới phương thức sản xuất theo hướng an toàn chất lượng.
Nhiều đơn vị sản xuất, chế biến cà-phê đã lựa chọn hướng sản xuất cà-phê sạch, cà-phê sinh thái để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như: Công ty TNHH Pun Coffee, Hợp tác xã Cà-phê hữu cơ sinh thái Chân Mây, Hợp tác xã Cà-phê bản địa, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Nam Hải CNS, Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh… Đây là những chuyển biến quan trọng để xây dựng và khôi phục thương hiệu cà-phê Khe Sanh cũng như từng bước nâng cao giá trị gia tăng của cà-phê trong thời gian đến.
“Cùng việc chính quyền và người sản xuất tiếp tục tập trung đầu tư tái canh cây cà-phê, huyện mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh; sự hợp tác của các doanh nghiệp trong công tác trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ để thương hiệu cà-phê Khe Sanh ngày càng bền vững hơn nữa trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng cà phê", Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa Trần Bình Thuận, chia sẻ.