Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết: Hết năm 2023, diện tích cây cà-phê trên địa bàn cả nước đạt 715.300ha, tăng 6.300ha, sản lượng cà-phê nhân 1,89 triệu tấn.
Cây cà-phê đã và đang là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương, tạo việc làm ổn định cho hơn một triệu lao động thường xuyên.
Bên cạnh đó, sản phẩm cà-phê của Việt Nam cũng đang từng bước khẳng định được thương hiệu, giá trị thông qua việc xuất khẩu đến nhiều thị trường. Năm 2023, xuất khẩu cà-phê Việt Nam ra thị trường thế giới đạt 1,623 triệu tấn, kim ngạch đạt 4,24 tỷ USD, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.
Nhằm phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây cà-phê, nhiều địa phương đã xây dựng những vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó áp dụng các công nghệ sử dụng giống mới, tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, đo lượng đường trong cà-phê chín, ứng dụng hệ thống giám sát thời tiết tự động qua internet để truy cập dữ liệu phục vụ cho sản xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến và người dân cũng chú trọng liên kết sản xuất nhằm bảo đảm thu nhập và đầu ra sản phẩm ổn định. Mặt khác, thông qua liên kết, nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học-công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất cà-phê.
Tỉnh Ðắk Lắk có diện tích trồng cà-phê là 212.000ha cho nên những năm qua tỉnh xác định đây là cây trồng chủ lực.
Hiện nay, cây cà-phê đang được giá, giúp thu nhập của người dân tăng lên. Ông Phạm Ðình Tương, ở thành phố Buôn Ma Thuột (Ðắk Lắk) phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi hiện đang trồng khoảng 800 cây cà-phê, đến nay cây đã được 5 năm và đang cho thu hoạch. Thời gian trước, giá bán khoảng 65.000 đồng/kg, nhưng hiện nay tăng lên 106.000 đồng/kg. Với năng suất đạt khoảng bốn tấn cà-phê nhân trong vụ thu hoạch này, gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng".
Xác định cà-phê là một trong những cây trồng chủ lực, thời gian qua người dân trên địa bàn huyện Ea H’leo (Ðắk Lắk) đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây trồng này. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea H’leo Phạm Văn Khôi cho biết: Ðến nay, toàn huyện có hơn 30.000 ha trồng cà-phê với năng suất bình quân đạt khoảng 3,5 tấn cà-phê/ha, giá trị thu được trung bình là 270 triệu đồng/ha. Ðể phát triển bền vững cây cà-phê, huyện khuyến cáo người dân giữ ổn định diện tích trồng như hiện nay; tập trung tái canh những diện tích cà-phê già cỗi từ 30-35%".
Nhằm thúc đẩy sản xuất cà-phê bền vững, sản xuất có trách nhiệm, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người trồng, năm 2020, huyện Ea H’leo triển khai dự án thí điểm mô hình cung ứng dịch vụ nông nghiệp cho phát triển cà-phê bền vững tại xã Ea Hiao quy mô 4.360 ha với 3.633 hộ tham gia.
Sau một thời gian triển khai, đến cuối năm 2023 dự án đã tập huấn cho 14.563 lượt nông dân với các chủ đề: Sản xuất bền vững, có trách nhiệm, kỹ thuật tái canh, trồng xen canh, chế biến cà-phê đặc sản, chất lượng cao… Ðồng thời, dự án cũng hỗ trợ một phần cây giống và người dân tự tái canh khoảng 550 ha, 71.000 cây trồng xen các loại; lắp đặt năm mô hình tưới nước tiết kiệm và 150 đồng hồ đo nhằm kiểm soát lượng nước tưới.
Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Macca Ea H’leo (xã Ea Hiao) Nguyễn Văn Bình cho biết: "Hiện nay, các thành viên trong Hợp tác xã trồng 50 ha cây cà-phê. Do cây cà-phê phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và kỹ thuật canh tác tốt của nông dân cho nên năng suất đạt khá cao. Qua thống kê, bình quân mỗi ha cà-phê trong niên vụ này đạt khoảng 3,2 tấn cà-phê nhân, cá biệt có những hộ đầu tư, chăm sóc tốt đạt 4 tấn/ha. Với giá bán như hiện nay, trung bình đạt 440 triệu đồng/ha/vụ và nếu trồng cà-phê chất lượng cao giá trị tăng thêm 70 triệu đồng/ha".
Theo Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Ðắk Nông, hiện nay trên địa bàn có bốn cây trồng chủ lực gồm: Cà-phê, hồ tiêu, điều và cao-su. Riêng cây cà-phê với diện tích 140.000 ha, sản lượng đạt 240.000 tấn/năm; hàng năm kim ngạch xuất khẩu cà-phê đạt hơn 400 triệu USD, tạo việc làm cho 105.000 lao động.
Nhằm góp phần thay đổi tập quán canh tác cà-phê theo tập quán cũ sang sản xuất bền vững, có trách nhiệm và được liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2021-2023 Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Ðắk Nông triển khai xây dựng mô hình sản xuất cà-phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị tại các xã Nâm Nung, Tân Thành, huyện Krông Nô quy mô 10 ha với 10 hộ tham gia.
Ðến nay, sau ba năm đã có kết quả tích cực, mở ra nhiều triển vọng cho ngành hàng cà-phê của tỉnh. Cây cà-phê sản xuất theo hướng hữu cơ sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời cải thiện được hệ sinh thái đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, sản phẩm cà-phê giá bán cao hơn thị trường cho nên hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-20% so với canh tác truyền thống.
Ðề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sản lượng cà-phê nhân đạt từ 1,8-2 triệu tấn và định hướng diện tích cà-phê cả nước khoảng 640-660.000 ha. Trong đó, vùng Tây Nguyên khoảng 600.000 ha, còn lại 40-60.000 ha được trồng tại các tỉnh: Bình Phước, Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La, Quảng Trị, Bình Thuận...
Theo đó, cà-phê vối chiếm khoảng 90-92%, cà-phê chè khoảng 8-10%. Nhằm thực hiện mục tiêu trên, các địa phương cần rà soát diện tích cà-phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn; tiếp tục trồng tái canh, ghép cải tạo diện tích cà-phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh...; phấn đấu đến năm 2030 có từ 80-90% diện tích cà-phê trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; hơn 70% diện tích cà-phê được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần phát triển vùng trồng cà-phê theo hướng cảnh quan; ở những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà-phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ...; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sử dụng công nghệ mới, hiện đại để chế biến cà-phê rang xay, hòa tan đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế; nghiên cứu và phát triển công nghệ chế biến để tận dụng tối đa các phụ phẩm cà-phê…