Việc làm kịp thời này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chủ động thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm; trang bị thêm cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn chọn lựa nghề, ngành học, phục vụ cho công việc tương lai.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, có 38 xã, thị trấn là vùng có người dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó nhiều nhất là người Vân Kiều, Pa Cô.
Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số thời gian qua sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông đã chọn được nghề, ngành học phù hợp, ra trường tìm được việc làm vừa ý.
Có được kết quả này, phần lớn nhờ vào quá trình hướng nghiệp kịp thời, phù hợp của nhà trường phổ thông và sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số thời gian qua sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông đã chọn được nghề, ngành học phù hợp, ra trường tìm được việc làm vừa ý.
Tại nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đang công tác, làm việc ngày càng chiếm số lượng khá lớn. Những vị trí việc làm, phần việc được phân công họ đều hoàn thành tốt, khiến nhiều người yêu quý, tin tưởng.
Chia sẻ câu chuyện này, họ cho biết ngay từ những ngày còn học tại các trường phổ thông đã được các thầy cô giáo hết mực yêu thương, tìm hiểu nguyện vọng, định hướng tươi lai sau này cho các em.
Câu chuyện của Quách Đình Long, người dân tộc Mường, trở thành phóng viên luôn được tin tưởng ở Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị, cho thấy quá trình định hướng nghề nghiệp ở nhà trường ảnh hưởng rất lớn đến tương lai, công việc và sự nghiệp của học sinh người dân tộc thiểu số.
Quảng Trị quan tâm định hướng, dạy kỹ năng sống cho học sinh các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú. |
Quách Đình Long theo học Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tại thị xã Quảng Trị. Theo dõi em có năng khiếu với môn xã hội, nhất là truyền thông báo chí. Nhà trường kịp thời động viên em chọn thi vào Khoa Báo chí của Đại học Khoa học Huế.
Không phụ công thầy cô, sau khi tốt nghiệp đại học, Long thi trúng tuyển phóng viên vào Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Quảng Trị. Nhiều năm nay anh được cơ quan phân công cùng nhóm đưa tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên truyền hình Quảng Trị và kênh truyền hình tiếng dân tộc (VTV5) của Đài Truyền hình Việt Nam, anh cùng đồng nghiệp luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quách Đình Long là một trong rất nhiều học sinh hưởng được sự định hướng nghề nghiệp đúng, trúng, kịp thời của của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị.
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị Trần Thị Liên cho biết, học sinh nhà trường chủ yếu đến từ các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Các em luôn phấn đấu thi trúng tuyển vào trường dân tộc nội trú để có điều kiện học tập tốt hơn, ước mơ lớn lao thay đổi cuộc đời, được bay đi xa hơn, thành đạt trong cuộc sống, mai này có điều kiện trở về giúp ích quê hương, bản làng.
Phát huy truyền thống của nhà trường, thấu hiểu những khát vọng ý nghĩa đó của các em, nhà trường đã không ngừng đẩy mạnh công tác giảng dạy, lồng ghép các hoạt động giáo dục nhằm tạo ra một môi trường học tập thân thiện, trang bị cho học trò những kiến thức và kỹ năng sống cần thiết để phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cùng với đó, trường còn luôn chú trọng đến các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các hoạt động tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh. Các hoạt động này thường tổ chức thông qua các câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa, trải nghiệm.
Bám sát những yêu cầu của đời sống thực tiễn, cùng với nội dung hướng nghiệp triển khai từ lớp 10 của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã xây dựng chuyên đề cho học sinh tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp bản thân.
Ngay từ tuần đầu tiên sinh hoạt chính trị dành cho học sinh lớp 10, các em bắt đầu được lồng ghép tiếp cận với các nội dung liên quan đến nghề nghiệp để có định hướng trong suốt cấp học.
Những hoạt động này giúp học sinh từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết về nghề nghiệp, đánh thức niềm đam mê, từ đó thay đổi tư duy trong việc chọn nghề phù hợp với năng lực của mình.
Tiết học tìm hiểu bảo vệ an ninh Tổ quốc của học sinh miền núi Quảng Trị. |
Thêm một kênh nữa là thông qua các hội nghị cha mẹ học sinh, phụ huynh được trực tiếp nghe nhà trường tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh để nắm bắt và góp phần định hướng thêm cho con em mình để có suy nghĩ đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề phù hợp.
Đối với khối 11, hằng năm, nhà trường phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên thị xã Quảng Trị dạy các nghề cơ bản để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh. Trường còn phối hợp các trường đại học, cao đẳng tư vấn nghề nghiệp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của học sinh giúp các em có thêm kiến thức thực tế và xây dựng kế hoạch học tập nhằm đạt được ước mơ.
Công tác phân luồng, hướng nghiệp của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp thực tiễn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%, số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng ngày càng tăng.
Nhiều học sinh của trường đủ điều kiện theo học Chương trình học bổng ISSHIN- ASHI của Nhật Bản hệ vừa học vừa làm và Chương trình học bổng toàn phần Passerelles Numériques (PN) của Chính phủ Pháp hợp tác cùng Trường cao đẳng Công nghệ thuộc Đại học Đà Nẵng, các em đã ra trường và có công việc, thu nhập ổn định.
Các năm gần đây số lượng học sinh theo học tại Chương trình học bổng toàn phần PN của chính phủ Pháp; theo học tại Nhật Bản tại Chương trình học bổng ISSHIN-ASHI; vừa học vừa đi làm việc theo hợp đồng tại Đức ngày càng đông, chứng tỏ công việc định hướng nghề nghiệp của nhà trường luôn trở thành niềm cảm hứng cho học sinh trong tình mới của hội nhập và việc làm.
Tại các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện luôn xác định công tác định hướng cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng nên nhà trường rất chú trọng từ rất sớm. Nội dung giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục được nhà trường tích cực thực hiện.
Để việc định hướng thiết thực hơn, trường chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tư vấn, hướng nghiệp và dạy các nghề may, làm vườn, điện dân dụng…cho học sinh từ đầu năm lớp 8.
Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở giúp các em hoặc tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội.
Nhờ được tư vấn, định hướng kỹ lưỡng, hằng năm, đa số học sinh các trường sau tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên bậc trung học phổ thông; một số học học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên hoặc chọn học nghề thay vì ở nhà hay đi lao động tự do.
Nhiều em sau khi học nghề được trau dồi chuyên môn vững vàng đã có nghề nghiệp ổn định, tự lập và có thu nhập phụ giúp gia đình; tạo việc làm cho thanh niên thôn bản.
Học sinh các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú ở Quảng Trị luôn thích thú với việc được nhà trường kịp thời hướng nghiệp. |
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn có một trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, bốn trường phổ thông dân tộc nội trú huyện cùng chín trường phổ thông dân tộc bán trú với hàng nghìn học sinh. Thời gian qua, công tác hướng nghiệp cho học sinh tại các nhà trường luôn được chú trọng và đạt những kết quả quan trọng.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị Hồ Thị Lệ Hà chia sẻ, định hướng nghề nghiệp góp phần lớn làm thay đổi tư duy, nhận thức cho học sinh về nghề nghiệp, nhất là các nghề trong bối cảnh mới, giúp các em có nhiều sự lựa chọn hơn phù hợp hơn, không chỉ tập trung vào học đại học kinh tế, xã hội, mà còn các lĩnh vực an ninh, quốc phòng; chọn các ngành nghề gần gũi với điều kiện địa phương. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục Quảng Trị đã và đang làm tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có thêm nguồn lực xây dựng kinh tế, xã hội, bảo vệ giữ vững an ninh, quốc phòng, miền biên viễn Tổ quốc.