Phát triển cây cà-phê hiệu quả, bền vững

Cà-phê là một trong những loại cây trồng chủ lực của Việt Nam và được trồng chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Bắc. Hiện nay, cây trồng này đang tạo việc làm cho hàng trăm nghìn nông dân và khoảng một triệu người có cuộc sống liên quan tới cà-phê. Ngoài ra, cà-phê cũng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta với kim ngạch hơn 4 tỷ USD trong niên vụ 2022-2023.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk thu hoạch cà-phê. (Ảnh TTXVN)
Công nhân Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk thu hoạch cà-phê. (Ảnh TTXVN)

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện nay vùng Tây Nguyên có diện tích trồng cà-phê hơn 92% cả nước, tiếp đến là Đông Nam Bộ 3,22%, Tây Bắc 3,03%.

Giá cà-phê tăng cao

Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, cà-phê là cây trồng có diện tích lớn thứ hai sau cao-su trong nhóm cây công nghiệp lâu năm. Đến nay, diện tích cà-phê cả nước đạt khoảng 709.000 ha với năng suất 29,2 tạ/ha, sản lượng đạt 1,95 triệu tấn/năm. Trong đó, khu vực Tây Nguyên với diện tích hơn 648 ha, sản lượng 1,86 triệu tấn. Năm 2022, số lao động hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến sản xuất cà-phê chiếm 5% tổng số lao động ngành nông, lâm, thủy sản.

Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà-phê, Ca-cao Việt Nam Đỗ Xuân Hiền cho biết: “Kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà-phê của nước ta đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4%, đạt 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay”. Xét theo từng loại cà-phê xuất khẩu, cà-phê Robusta với 1,49 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,25 tỷ USD; cà-phê nhân Arabica xuất khẩu 41.500 tấn, kim ngạch đạt 169 triệu USD. Qua thống kê, trong niên vụ vừa qua, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu cà-phê lớn nhất của Việt Nam với khối lượng gần 802 nghìn tấn, kim ngạch đạt 1,86 tỷ USD. Trong đó, Đức là nước dẫn đầu với gần 219 nghìn tấn, Italia hơn 156 nghìn tấn, Nga gần 107 nghìn tấn, Tây Ban Nha hơn 100 nghìn tấn... Bên cạnh đó, tiêu thụ cà-phê tại thị trường trong nước đã có những bước phát triển mạnh những năm qua. Giai đoạn 2015-2020 tốc độ phát triển bình quân 3,94%/năm, số lượng cà-phê tiêu thụ nội địa từ 158.000 tấn năm 2015 lên 220.000 tấn năm 2022.

Tại thị trường trong nước, giá cà-phê trong niên vụ này được đánh giá cao nhất trong gần 30 năm qua, có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg. Với mức giá này đã giúp người trồng cà-phê có thu nhập tốt. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) Phạm Văn Khôi cho biết: “Hiện nay, diện tích cà-phê trên địa bàn huyện khoảng 30.800 ha với năng suất hơn 2,3 tấn/ha; cá biệt có một số nơi đạt 3 đến 5 tấn/ha,

thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/ha”. Giám đốc Sản xuất Hợp tác xã Macca Ea H’leo, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Hiện nay, hợp tác xã trồng 104 ha cà-phê, trong đó 20 ha trồng thuần còn lại là trồng xen với năng suất đạt 3,5 tấn/ha. Niên vụ cà-phê 2022-2023, do giá bán tăng cao, có thời điểm đạt 66 nghìn đồng/kg cà-phê xô (cao nhất từ trước đến nay), cho nên nhiều hộ dân trong hợp tác xã có thu nhập tốt. Nếu niên vụ trước, thu nhập bình quân chỉ đạt 120 triệu đồng/ha, năm nay đạt gần 200 triệu đồng/ha”.

Hiệp hội Cà-phê, Ca-cao Việt Nam cho biết, trong niên vụ 2022-2023, các doanh nghiệp trong Hiệp hội xuất khẩu hơn 1,22 triệu tấn cà-phê nhân, chiếm khoảng 77,5% tổng khối lượng xuất khẩu, kim ngạch khoảng 2,66 tỷ USD.

Dự báo sản lượng giảm

Đại diện Hiệp hội Cà-phê, Ca-cao Việt Nam cho biết, mặc dù giá cà-phê năm 2023 tăng cao nhưng nhiều diện tích đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng, cây ăn quả và có thời điểm giá xuống quá thấp cho nên người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây trồng này. Hơn nữa, biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Nino gây khô hạn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất cà-phê trong nước; chi phí đầu vào đặc biệt là phân bón tăng cao. Hiện nay, giá cà-phê có xu hướng giảm cho nên tại một số vùng có hiện tượng nhiều người thu hoạch khi trái còn xanh ảnh hưởng lớn đến chất lượng đầu niên vụ. Do đó, dự kiến niên vụ cà-phê 2023-2024 sản lượng giảm 10%.

Theo Cục Trồng trọt, để phát triển cà-phê bền vững, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân tăng diện tích trồng cà-phê chất lượng cao, cà-phê đặc sản, cà-phê cảnh quan; phấn đấu 100% giống tái canh bằng giống chất lượng cao, chống chịu bệnh rỉ sắt, áp dụng đúng quy trình tái canh. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất cà-phê đạt tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, đặc sản, hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng quy trình tái canh cây cà-phê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong sản xuất; chọn tạo giống cà-phê năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất, tăng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cà-phê… Về thị trường tiêu thụ cần hỗ trợ các địa phương, người trồng xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tạo dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cà-phê đặc sản; hỗ trợ đăng ký các tiêu chuẩn chứng nhận như: GAP, HAPP, hữu cơ, đặc sản.

Mặt khác, cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà-phê chất lượng cao, đặc sản; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trồng và chăm sóc cà-phê tiếp cận được nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ các địa phương trong việc tập huấn kỹ thuật, giống, mô hình trồng mới, các ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quy trình tái canh nhằm cải tạo vườn cà-phê già cỗi. Đặc biệt, kêu gọi các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ về mặt kỹ thuật, để xây dựng hệ thống dữ liệu về vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về Quy định chống mất rừng (EUDR) của Ủy ban châu Âu ■