Pun Coffee vừa vinh dự được Viện Chất lượng cà-phê quốc tế (CQI) xếp hạng thứ 5 trên bảng xếp hạng cà-phê đặc sản thế giới, điều mà cà-phê Việt Nam trước đó chưa làm được.
Đến huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hôm nay dễ dàng nhận thấy mầu xanh ngút ngàn của những vườn cà-phê arabica. Sắc xanh thấm đẫm của những vườn cà-phê bao mùa cho quả và sắc xanh non tơ của những vườn mới trồng phủ lên hoang vu rừng núi, khiến ai cũng có cảm giác dễ chịu. Cây cà-phê arabica không chỉ được trồng ở thung lũng Khe Sanh, mà còn được trồng từ Làng Vây đến Tà Cơn, nhiều nhất là ở Hướng Phùng...
Gian nan tìm lại danh tiếng cà-phê Khe Sanh
Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã đến Khe Sanh, thấy được thế mạnh của đất này với cây cà-phê, họ đã xây dựng đồn điền để trồng cà-phê. Từ đó, Khe Sanh đã được thế giới biết đến với những sản phẩm cà-phê nổi tiếng.
Cà-phê arabica Khe Sanh cho hoa trắng muốt để đậu quả trong bình yên và hạnh phúc. |
Trải qua thời gian, Hướng Hóa bây giờ trở thành một trong những vùng trồng cà-phê lớn nhất miền trung. Những năm 2012 và 2013, trị giá xuất khẩu cà-phê Khe Sanh mỗi vụ đạt 25 triệu USD.
Chỉ một mặt hàng nông sản của một huyện miền núi xuất khẩu mang về ngần ấy ngoại tệ cho đất nước thì không phải là nhỏ. Từ nương rẫy, cây cà-phê ra hoa, tạo quả, cho thu hoạch, trải qua kỹ thuật chế biến, cà-phê trở thành sản phẩm thương mại có giá trị lớn. Rồi không ngờ, một giai đoạn dài tiếp theo thương hiệu cà-phê arabica Khe Sanh hầu như vắng bóng trên thị trường bởi nhiều yếu tố khác nhau làm người yêu cà-phê Khe Sanh thổn thức, trong đó có vợ chồng Lương Thị Ngọc Trâm và Phan Hồng Phong.
Đưa cà-phê sau khi rửa sạch vào bao bóng cho lên men. |
Không thể để tên tuổi một thức uống nổi tiếng bị phai mờ, năm 2019, vợ chồng Lương Thị Ngọc Trâm và Phan Hồng Phong (tốt nghiệp Trường đại học Khoa học Huế và Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh) quyết tâm xây dựng lại chất lượng cà-phê arabica Khe Sanh với thương hiệu mới Pun Coffee trên tâm thế làm cà-phê sạch, chất lượng cao để khách hàng thay đổi thói quen sử dụng cà-phê. Anh chị không chọn cách trực tiếp trồng cà-phê, mà liên kết chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiến bộ để từng bước thay đổi thói quen trồng cà-phê theo cách truyền thống của người dân và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cả hợp lý nhất.
Những ngày đầu, hai người tay trắng dắt nhau đến lập nghiệp ở đồi Pun, xã Hướng Phùng trong sự ái ngại của mọi người, bởi khi đó không ai nghĩ hai người sẽ làm được. Anh chị dựng ngôi nhà nhỏ ở ngay giữa đồi Pun, làm việc quên cả ngày giờ, làm tất cả bằng niềm tin, sự đam mê và khoa học ứng dụng để nuôi hạt cà-phê. Trong quá trình tìm hướng đi cho Pun Coffee, anh chị luôn trăn trở, làm cà-phê sạch, chất lượng cao là hướng đi đúng, nhưng phải làm sao để sản phẩm thật đặc biệt, đặc trưng mới có được chỗ đứng trên thị trường. Bản chất cà-phê là trái cây, nên anh chị mong muốn mọi người hiểu rõ vị nguyên bản trái cây thanh tao này.
Tuy nhiên bản thân cà-phê arabica lại có cái khó riêng vì vị chua thanh đặc trưng, mà trong tiềm thức của nhiều khách hàng cà-phê phải đắng đậm, sánh bọt mới gọi là cà-phê ngon. Để thay đổi thói quen, tiềm thức của người tiêu dùng cà-phê là quá gian nan, anh chị quyết tâm theo đuổi để chinh phục. Khi đang hăng say làm cà-phê và mùa vụ thu hoạch đầu tiên vừa kết thúc thì bất ngờ đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi thứ đều gặp khó khăn vì bị phong tỏa không thể xuất khẩu, ngành cà-phê ảnh hưởng nặng nề nhất khi hệ thống các quán phải đóng cửa, anh chị tưởng chừng phải bỏ cuộc giữa đường.
Chị Lương Thị Ngọc Trâm nâng niu từng hạt cà-phê arabica. |
Hành trình nâng tầm chất lượng cà-phê Khe Sanh mang thương hiệu Pun Coffee luôn gian truân, nhưng khó khăn nào rồi cũng qua đi. Cơ duyên đến, năm 2020, anh chị gặp hai chuyên gia cà-phê hàng đầu Việt Nam Lê Trung Hưng và Nguyễn Tấn Vinh qua buổi hội thảo chia sẻ với người trồng cà-phê tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Lúc đó chuyên gia Lê Trung Hưng vận động Hiệp hội cà-phê Buôn Mê Thuột cùng các đối tác khách hàng, bạn bè quen biết hỗ trợ lớp đào tạo chế biến cà-phê đặc sản cho các nông hộ và nhà chế biến nhỏ tại địa phương Hướng Hóa.
Với kiến thức ghi nhận được sau các lớp học và hành trang không mệt mỏi làm cà-phê đặc sản, Pun Coffee cuối cùng đã thành công, đưa chất lượng cà-phê arabica Khe Sanh do Pun Coffee chế biến vươn lên tốp một cà-phê đặc sản Việt Nam. Sau bốn năm liên tiếp tham gia cuộc thi, Pun Coffee đã ba lần giữ vị trí số một và hai lần vị trí số ba cà-phê đặc sản Việt Nam.
Đứng giữa đồi Pun cao hơn mực nước biển gần 600m, mây ngàn như đang chạm trên đầu, chị Lương Thị Ngọc Trâm giải thích, Pun trong thương hiệu Pun Coffee không chỉ tên gọi của một vùng đất nơi anh chị lập nghiệp. Pun trong tiếng Vân Kiều nghĩa là say hương thơm của đất, hương thơm của trời ban cho.
Do đó Pun Coffee còn nhận trên vai mình là sứ mệnh kết nối cộng đồng, không chỉ mang lại cho người tiêu dùng ly cà-phê đơn thuần, mà còn gửi gắm vào đó hương đất Khe Sanh mang niềm hy vọng cho những người nông dân tạo lập cuộc sống từ những trái cà-phê chín đỏ tươi. Pun Coffee không chỉ mang tiếng nói từ núi rừng Trường Sơn kiêu hùng vươn ra với đất nước, mà hơn tất thảy còn góp phần khẳng định nơi thiên nhiên có phần khắc nghiệt ấy nhưng lại có loại trái cây quyền lực mang tên cà-phê arabica.
Đường đến cà-phê đặc sản hạng năm thế giới
Từ khi đạt vị trí số một cà-phê đặc sản Việt Nam, anh Phong, chị Trâm đã nghĩ đến con đường dài hơn chính là đưa Pun Coffee trở thành cà-phê đặc sản thế giới. Bởi chỉ giai đoạn ngắn nỗ lực thay đổi, cà-phê Khe Sanh đã có những bước tiến ngoạn mục trên con đường cà-phê đặc sản Việt Nam.
Công đoạn phơi khô cà-phê ở khu vực sơ chế tại đồi Pun. |
Để trở thành cà-phê đặc sản thế giới, anh chị bắt đầu quy hoạch quản lý các vùng nguyên liệu liên kết cùng Pun Coffee. Nông hộ trồng cà-phê trong vùng có vai trò quyết định 35% chất lượng của toàn bộ chuỗi cà-phê từ trang trại đến ly cà-phê trên bàn, cho nên việc cải tạo quy hoạch lại các vùng nguyên liệu là ưu tiên hàng đầu. Toàn bộ vùng nguyên liệu được chuyển từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang canh tác bền vững, loại bỏ 90% lượng hóa chất trong canh tác, tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu chăm sóc có nguồn gốc sinh học như phân vi sinh từ vỏ cà-phê và rác thải nông nghiệp, quản lý cỏ dại thay vì triệt tiêu.
Anh chị kết hợp cùng Diễn đàn cà-phê toàn cầu (GCP) tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cây cà-phê cho nông dân. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong chuỗi chế biến cà-phê. Xưa nay tại Quảng Trị và các vùng khác, người dân quen với việc thu hái cà-phê xanh, chín lẫn lộn, cà-phê xanh non nhiều hơn chín đỏ.
Mặc dù được Pun Coffee chuyển giao kỹ thuật rất đầy đủ, nhưng để thay đổi thói quen này thật sự không dễ gì, phải có cách tính toán lợi nhuận, giá thành, sản lượng minh bạch, phù hợp để người trồng cà-phê tin tưởng. Pun Coffee đưa ra công bố cam kết công khai mua nguyên liệu quả tươi chín cao hơn so với giá thị trường 5.000 đồng/kg và giá tối thiểu thu mua 12.000 đồng/kg quả tươi được người trồng cà-phê vui vẻ bằng lòng.
Đến khi quả chín được thu hoạch thì kỹ thuật chế biến vô cùng quan trọng. Vì đây là dòng cà-phê đặc sản, khi chế biến phải làm sao đẩy được các hương thơm tự thân đặc trưng của cà-phê arabica Khe Sanh lên cao nhất, tạo dấu ấn riêng không lẫn vào đâu được để từ đó định vị được bộ hương vị của cà-phê Khe Sanh, Quảng Trị, đó là vị cay: bạc hà, gừng, quế, mùi già; mùi trái cây nhiệt đới: mít, ổi, chuối, xoài, chanh leo, dứa; vị chua của cam, chanh, mơ, mận; vị quả mọng: mâm xôi; vị socola, thảo mộc và rượu vang.
Sau những cố gắng liên tục thấm đẫm mồ hôi và công sức, trí tuệ, năm 2023, Pun Coffee vinh dự được Viện Chất lượng cà-phê quốc tế (CQI) xếp hạng thứ năm trên bảng xếp hạng cà-phê đặc sản thế giới, điều mà cà-phê Việt Nam trước đó chưa làm được. Tự hào thay vùng cà-phê arabica đến từ Khe Sanh, Quảng Trị đã làm được với số điểm 87,67/100.
Thời gian không dài nhưng những gì Pun Coffee đã làm đối với vùng cà-phê Khe Sanh không chỉ là nâng tầm sản phẩm mà còn thay đổi vị thế thương hiệu cà-phê arabica Khe Sanh trên bản đồ cà-phê đặc sản không chỉ Việt Nam mà còn ra cả thế giới. Những gì tâm đắc nhất chính là chuỗi giá trị các công việc tác động mà Pun Coffee đã làm. Đó là xây dựng các chiến lược khác nhau tác động vào đời sống kinh tế, xã hội cho nhóm nông hộ liên kết, nhất là nông hộ yếu thế đồng bào thiểu số Vân Kiều.
Mô hình vườn rừng cà-phê đa dạng sinh học của chị Ngọc Trâm. |
Sống và làm việc cùng người dân tộc thiểu số Vân Kiều, anh chị hiểu được khó khăn họ đang gặp phải. Vì vậy, Pun Coffee luôn nỗ lực để hoạt động, hỗ trợ thiết thực cho nhóm nông hộ như cung cấp cây giống cà-phê chất lượng cao để người dân thực hiện tái canh thay mới cây cà-phê, hỗ trợ cây che bóng, cây lâm nghiệp để cùng triển khai dự án mang rừng về vườn cà-phê, xây dựng các vùng cà-phê trở thành các vùng nguyên liệu đặc sản, qua đó tạo việc làm thường xuyên cho người lao động tại chỗ; giúp đào tạo con em người dân tộc thiểu số học nghề, định hướng khởi nghiệp. Những hỗ trợ này dù đang còn nhỏ nhưng rất ý nghĩa.
Chỉ tay về những vườn cà-phê arabica trĩu quả, vợ chồng chị Trâm cho hay, họ đang nuôi dưỡng giấc mơ giúp người dân phục hồi lại diện tích cà-phê arabica Khe Sanh theo hướng cà-phê bền vững với mô hình vườn rừng đa dạng sinh học. Mỗi trang trại là một cánh rừng thu nhỏ mà ở đó người nông dân làm giàu trên chính khu rừng của mình. Và cà-phê arabica Khe Sanh với thương hiệu Pun Coffee đi khắp thế giới, vươn tới các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ bằng đa dạng hóa các sản phẩm từ cà-phê với chất lượng tốt nhất nhằm phục vụ người tiêu dùng khó tính.
Sẽ không dễ để làm được điều này bởi Pun Coffee của vợ chồng anh chị đến từ vùng rừng núi, biên giới Việt Lào, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Hành trình trước mắt còn nhiều gian nan nhưng giấc mơ “toàn cầu hóa” cà-phê arabica Khe Sanh Quảng Trị của Pun Coffee vẫn luôn cháy mãnh liệt bởi cà-phê Khe Sanh với anh chị không chỉ là đam mê, tình yêu mà còn là trách nhiệm, là khát vọng và cả tự hào.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hướng Hóa Trần Bình Thuận cho biết, huyện có dư địa trồng hơn 5.000 ha cà-phê, hiện đã có khoảng 3.700 ha cho khai thác, chủ yếu là giống arabica. Xác định là một trong những cây công nghiệp chủ lực nên huyện chủ trương phục hồi cà-phê arabica Khe Sanh thành thương hiệu nổi tiếng, xem đó là việc làm cần thiết cho mặt hàng nông sản độc đáo trên địa bàn. Huyện luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Pun Coffee nhằm lan tỏa hơn nữa thương hiệu cà-phê Khe Sanh. |