Đợt mưa lũ lớn do hoàn lưu bão số 3, số 4 vừa rồi, người dân xã Húc của huyện miền núi Hướng Hóa có được kinh nghiệm ứng phó mưa lũ lớn từ năm 2020 nên tránh được những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Chính quyền địa phương sớm vận động các hộ dân sống tại các điểm có nguy cơ ảnh hưởng cao với thiên tai đến ngay nơi an toàn, trước khi mưa lũ về.
Nhiều người dân miền núi Quảng Trị chưa quên được bốn năm trước, trận mưa lớn vào cuối tháng 10/2020, làm sạt lở núi, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Số nạn nhận tử vong và hy sinh đến 49 người. Trong đó, riêng huyện miền núi Hướng Hóa có 30 người chết và hy sinh. Lớn nhất là vụ sạt lở núi làm 22 chiến sĩ của Đoàn 337 thuộc Quân khu 4 hy sinh tại xã Hướng Phùng.
Vụ sạt lở tại xã Hướng Phùng rạng sáng 18/10/2020, đất đá trên núi cao đổ về vùi lấp một phần doanh trại Đoàn 337 khiến 22 chiến sĩ hy sinh, luôn day dứt nhiều người. |
Hai vụ sạt lở núi tại xã Húc và xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa vùi lấp 8 người chết, trong đó vụ sạt lở núi ở xã Hướng Việt làm Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an huyện Hướng Hóa hy sinh. Đại úy Lê Văn Dùy, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hướng Việt Hồ Văn Sinh bị thương nặng trong lúc làm nhiệm vụ.
Khi đào phần đất đá sạt lở để cứu hộ, đưa Đại úy Lê Văn Dùy ra ngoài, lực lượng chức năng tìm thấy chiếc mũ nhựa có ghi dòng chữ Lê Văn Dùy trước đó được đồng chí sử dụng trong lúc đi chỉ huy phòng, chống thiên tai, đang nham nhở bùn đất và trầy xước gần vỡ.
Chiếc mũ sau đó được gắn vào hộ lan bên đường Hồ Chí Minh, ngay điểm sạt lở núi như một thông điệp bằng hình ảnh luôn nhắc nhở mọi người về một sự cố sạt lở núi nguy hiểm đã từng xảy ra nên người dân sinh sống trong vùng luôn phải hết sức đề phòng thiên tai ập đến bất cứ lúc nào. Hai đồng chí Lê Văn Dùy và Hồ Văn Sinh được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế gần bốn tháng sau mới xuất viện. Thương tích từ vụ sạt lở núi hôm ấy vẫn còn nham nhở trên thân hình của hai người.
Chiếc mũ của anh Lê Văn Dùy được gắn vào hộ lan bên đường Hồ Chí Minh để nhắc nhở mọi người điểm sạt lở núi nguy hiểm ở xã Hướng Việt. |
Đằng sau những con số mất mát nói trên còn là tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người sống ở khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người già. Người dân các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập của huyện miền núi Hướng Hóa kể lại, sau vụ sạt lở núi cuối tháng 10/2020 khoảng một tháng, thi thoảng trong đêm ngủ, họ vẫn nghe những tiếng nổ ùng ục trong núi phát ra nhưng không lớn lắm, nhiều người lại hốt hoảng kéo nhau chạy khỏi nhà tìm chỗ trú ngụ, đợi đến khi thật sự an toàn mới trở về. Còn Đoàn 337 thuộc Quân khu 4 di dời luôn doanh trại ở vị trí bị núi lở vùi lấp tại xã Hướng Phùng, đến xây dựng mới ở một địa điểm an toàn hơn. Thiên tai đã để lại những vết thương quá lớn cho nhiều gia đình, đơn vị, địa phương, cho những cánh rừng, cho cả nền kinh tế, xã hội.
Để đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, năm 2018, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai và hoàn thành nhiệm vụ điều tra tổng thể nguy cơ sạt lở đất đá, trong đó tại Quảng Trị ghi nhận được nhiều khu vực có biểu hiện sạt lở và đã xảy ra sạt lở đất đá nguy hiểm.
Thi công khắc phục điểm sạt lở núi do mưa lũ cuối tháng 10/2020 làm gián đoạn giao thông đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đoạn qua xã Hướng Lập. Đây là những điểm được cảnh báo có nguy cơ sạt lở vào năm 2024. |
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2024, trong khuôn khổ Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, Cục Địa chất của Bộ Tài nguyên và Môi Trường đang thực hiện nhiệm vụ điều tra xây dựng bộ thông tin dữ liệu, lập bản đồ hiện trạng, bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ chi tiết 1:10.000 và lớn hơn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được đánh giá có 17 khu vực rủi ro sạt lở đất, tập trung ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa và 5 khu vực có rủi ro sạt lở đất, lũ quét, tập trung ở huyện Đakrông.
Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ của Cục Địa chất thực hiện, tỉnh Quảng Trị đã rà soát, bổ sung thêm 17 khu vực rủi ro cao sạt lở đất và 27 khu vực rủi ro sạt lở đất, lũ quét, phần lớn nằm ở các khu có dân cư, tập trung ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Các vị trí điển hình như khu vực đồi núi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi qua các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, huyện Hướng Hóa; tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông đoạn qua xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Các điểm này đều thuộc khu vực có độ dốc cao, khi có mưa lũ lớn, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn.
Đại úy Lê Văn Dùy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị hơn bốn năm trước được tăng cường về làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, nay đã thành Thiếu tá cho biết, những nơi có nguy cơ cao sạt lở núi, lũ quét trong mùa mưa lũ, xã đã chủ động thông báo và phối hợp với người dân có kinh nghiệm trong các thôn, bản để xác định sớm dấu hiệu, nguy cơ, phòng tránh. Người dân cũng được phổ biến kỹ năng ứng phó phù hợp với tình huống bất trắc của thiên tai đặc thù của cộng đồng. Khi có mưa lũ chuẩn bị xuất hiện, chỉ cần có thông báo của chính quyền là người dân chủ động sơ tán ngay.
Còn lãnh đạo xã Húc Nghì, huyện miền núi Đakrông chia sẻ, hàng chục năm nay mỗi khi mùa mưa lũ về thường gây thiệt hại nặng trên địa bàn, nhất là về con người. Xác định bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân là trên hết nên chính quyền xã luôn chủ động thông báo cho dân biết trước các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để bà con đề phòng sơ tán sớm đến các điểm an toàn đã được chỉ định trước đó nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai bất thuận gây ra.
Những điểm sạt lở này xảy ra năm 2020 ở xã Hướng Việt hiện vẫn nằm trong hơn 66 khu vực vừa được cảnh báo rủi ro cao sạt lở đất ở Quảng Trị để người dân biết phòng tránh. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Hướng Hóa Trần Bình Thuận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện miền núi Đakrông Thái Ngọc Châu cho biết, kết quả các thông tin điều tra trên của cơ quan chức năng là nội dung rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Huyện đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, chính quyền xã phối hợp, triển khai các nhiệm vụ mà đề án đánh giá, phân vùng rủi ro các loại hình thiên tai, đưa ra các giải pháp chủ động ứng phó chi tiết cho từng khu vực, địa bàn, nhằm giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, địa phương chuẩn bị các giải pháp chủ động ứng phó phù hợp với từng mức độ, nguy cơ xuất hiện mưa lũ, sạt lở đất, đá, lũ quét trong các mùa mưa bão, nhằm đảm bảo cao nhất sự an toàn tính mạng cho nhân dân và tài sản của nhà nước.
Lãnh đạo hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông kiến nghị, giải pháp lâu dài, hiệu quả về kinh tế, xã hội trong phòng tránh thiên tai là rất cần quy hoạch không gian sống an toàn cho người dân để thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng bền vững.