Quảng Bình phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

NDO- Quảng Bình hiện có khoảng 40 sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang khai thác bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch. Tuy nhiên, để phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch một cách bền vững, tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần rất nhiều việc phải làm mà trước hết, phải nhận diện được rõ được thế mạnh sự độc đáo về văn hóa tộc người để từ đó có cách làm phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo “Thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch”.
Quang cảnh hội thảo “Thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch”.

Ngày 22/11, tại thành phố Đồng Hới diễn ra hội thảo khoa học “Thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước. Đây là hoạt động chính thuộc Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đan xen văn hóa trong cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình có 2 dân tộc thiểu số là dân tộc Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt, với 5.607 hộ, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh. Dân tộc Bru - Vân Kiều gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Dân tộc Chứt gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Các dân tộc thiểu số còn lại như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa Cô... với số dân không nhiều.

Điều đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình có dân số không nhiều, nhưng lại phân thành nhiều tộc người, trong đó có những tộc người dân số chỉ vài trăm người như A Rem, Rục..., sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội hết sức khó khăn và thường xuyên phải đương đầu với thiên tai, bão lũ hằng năm.

Trong đó, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định người Rục là một một bộ phận cư dân tiền Việt - Mường hiếm hoi còn sót lại ở nước ta. Trước khi rời hang đá, người Rục vốn sống tách biệt, cuộc sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên nên còn giữ nguyên cách sinh hoạt của người tiền sử. Hiện nay, người Rục đã có bước tiến dài trên hành trình lập bản định cư, biết sản xuất lúa nước để ổn định cuộc sống.

Quảng Bình phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ảnh 1

Lễ hội đập trống Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch

Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy Ban dân tộc Đinh Xuân Thắng cho rằng, với nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, riêng có (không gian văn hóa gia đình, không gian văn hóa sinh kế, không gian văn hóa cộng đồng và không gian văn hóa tín ngưỡng, tâm linh) của người Rục cần được bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quảng Bình Lê Minh Tuyên, trong các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, các nhóm người đều có tập tục và tiếng nói riêng, tuy nhiên đã xuất hiện sự giao thoa, đan xen văn hóa giữa các tộc người với nhau, giữa dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh, giữa dân tộc bản địa với các dân tộc nước bạn Lào. Điều đó đã làm dày thêm sự độc đáo và đặc sắc trong giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số mang nhiều giá trị nhân văn, phản ánh tình yêu thương, khát vọng sống và vươn lên để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc; là nguồn sử liệu quan trọng, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản vǎn hóa quý báu của quê hương, đất nước.

Hiện, tỉnh Quảng Bình có 3 lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Thạch, huyên Bố Trạch, lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh và lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thế quốc gia. Các di sản trên góp phần quảng bá những giá trị vǎn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch cũng như phát triền kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị vǎn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình chưa tương xứng với tiềm năng. Một số loại hình văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền như: các nghi thức lễ hội, các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca, nhạc cụ... Chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người nắm giữ tri thức trong truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức. Ðiều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, các cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu.

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Tại hội thảo “Thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch”, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung chủ yếu về các nhóm giải pháp để bảo tồn, phát huy các vǎn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch.

Đi sâu tìm hiểu và kiến giải những điều còn sơ khai về dân tộc Chứt, một trong những dân tộc rất ít người ở nước ta, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và nhân học Việt Nam nhấn mạnh, đến nay, nghiên cứu về người Chứt tuy đã có những thành tựu rất quan trọng nhưng nhiều vấn đề còn đang bỏ ngỏ với nhiều kiến giải khác nhau, nhất là trên các phương diện đặc trưng văn hoá của các nhóm địa phương, trong đó có trang phục.

“Người Chứt từng sáng tạo ra trang phục, biết khai thác các nguồn nguyên liệu sẵn có trong môi trường sống trên dãy Trường Sơn và qua những biến động của lịch sử vẫn hiện diện trong bảng thành phần các dân tộc Việt Nam. Trang phục Chứt là kết quả quả của quá trình giao thoa tiếp nhận văn hoá của nhiều tộc người thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau và trong một chừng mực nào đó là sự pha trộn với rất nhiều biểu hiện khác nhau do các điều kiện lịch sử và quá trình tộc người quy định”- Phó Giáo sư Lâm Bá Nam nói.

Dưới góc độ ngôn ngữ và các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Bình, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trí Dõi chia sẻ: “Ngôn ngữ của những dân tộc thiểu số ở Quảng Bình là một nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng quý giá. Nguồn tài nguyên này vừa chưa được tập hợp một các đầy đủ và khoa học, vừa còn chưa được khai thác để góp phần làm nổi bật giá trị văn hóa truyền thống của người Việt và góp phần phát triển bền vững vùng đất Quảng Bình”.

Quảng Bình phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ảnh 2

Tập huấn làm du lịch cộng đồng cho đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy

Phó Vụ Trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Mạnh Hùng cho rằng, với nguồn lực Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, tỉnh Quảng Bình cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị triển khai có hiệu quả các đề án, dự án như “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”; “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số đến năm 2030”.

Đồng thời, tỉnh Quảng Bình cần hỗ trợ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ: định kỳ tổ chức các liên hoan, ngày hội, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp đẩy mạnh hoạt động “Điểm sáng văn hóa biên giới” ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Với nguồn tài nguyên về thiên nhiên và con người phong phú, Quảng Bình có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng gắn với nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình.

Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh. Trong đó, xác định nhiệm vụ quan trọng là phát triển các sản phẩm du lịch về văn hóa - lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.

Hy vọng trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh; đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng còn khó khăn nhưng có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ giữa núi rừng Trường Sơn.