Tạo kiến trúc cảnh quan phù hợp cho trục đường Lê Lợi

Sau gần tám năm thi công đoạn ngầm được xem là sâu nhất của tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), tuyến đường Lê Lợi, Quận 1 đã được tái lập nguyên hiện trạng như trước đây. Tuy nhiên, việc xem xét có một thiết kế phù hợp, tạo kiến trúc cảnh quan cho trục đường này đang được chính quyền thành phố lựa chọn nhằm giữ gìn giá trị của một tuyến đường lâu đời ở vị trí trung tâm thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Dọc tuyến đường Lê Lợi thiếu cây xanh, cần một kiến trúc tổng thể về cảnh quan. (Ảnh THẾ ANH)
Dọc tuyến đường Lê Lợi thiếu cây xanh, cần một kiến trúc tổng thể về cảnh quan. (Ảnh THẾ ANH)

Nhìn cảnh xe cộ qua lại cũng như hoạt động kinh doanh buôn bán nhộn nhịp hơn, bà Nguyễn Thị Thanh, chủ hộ kinh doanh ở mặt đường Lê Lợi phấn khởi: Gần tám năm rồi, khi thành phố rào chắn, bao bịt để thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên ở đây hầu như chỉ thấy “lô cốt”.

Từ tháng 8 năm ngoái, đơn vị thi công hoàn tất, đã trả lại toàn bộ lòng đường và vỉa hè cho người dân địa phương, các hộ kinh doanh buôn bán ai cũng như “trúng số”. Song, hầu hết các hộ dân, những người có cửa hàng buôn bán ở khu vực này lại đang băn khoăn vì thành phố chưa chốt được phương án thiết kế, tạo cảnh quan cho tuyến đường Lê Lợi. Đặc biệt là giải pháp tạo mảng xanh để chống lại nắng nóng của đô thị.

Anh Nguyễn Văn Danh, nhân viên một cửa hàng bán Pizza nằm gần góc Lê Lợi-Pasteur cho hay, vỉa hè dọc các cửa hàng nằm hướng bên trái của trục đường Lê Lợi (hướng nhìn ra Nhà hát thành phố) đều không có bóng dáng cây xanh. Do đó, vào buổi trưa khách du lịch đều “trốn” trong các nhà hàng, quán cà-phê nghỉ chân, bên ngoài đường hơi nóng cứ hắt lên hầm hập. Anh Danh ao ước, thành phố phủ thêm cây xanh hoặc có những điểm dừng chân nghỉ ngơi mát mẻ để tuyến đường này vừa mát mẻ, vừa có điểm nhấn về mặt cảnh quan kiến trúc.

Theo Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Duy An, có thể nói trục đường Nguyễn Huệ-Lê Lợi khá khang trang, sạch đẹp, hiện đại, kết nối đáp ứng về mặt giao thông và sắp tới các hoạt động thương mại, dịch vụ trên tuyến đường này sẽ dần khôi phục và trở lại nhộn nhịp, sầm uất như trước đây.

UBND Quận 1 thống nhất ý tưởng xây dựng phố đi bộ Lê Lợi nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến Quận 1 nói riêng và thành phố nói chung. Quận 1 kiến nghị UBND thành phố sớm thông qua quy hoạch không gian đô thị tại khu vực đường Lê Lợi để gia tăng giá trị cảnh quan, đạt yêu cầu về văn minh, sạch đẹp, hiện đại, an toàn; đồng thời, thu hút các nhà đầu tư dịch vụ thương mại. Liên quan đến việc “phủ” xanh cho tuyến đường Lê Lợi, mới đây Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố đã đề xuất thành phố chi 20-30 tỷ đồng lắp đặt mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi, Quận 1, nhằm tạo bóng mát, che mưa, hình thành không gian đi bộ sau khi công trình Metro số 1 trả mặt bằng qua gần tám năm chiếm dụng.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, đề xuất lắp mái che thuộc lĩnh vực cơ quan này phụ trách, còn cảnh quan chung ở khu vực liên quan nhiều cơ quan khác như xây dựng, giao thông... Do vậy, ngoài phương án mái che, việc bố trí mảng xanh sẽ được các đơn vị khác phối hợp, chọn loại cây phù hợp, hài hòa với không gian.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ: Trục đường Lê Lợi không chỉ là một tuyến đường đơn thuần mà là trục văn hóa, dịch vụ, thương mại quan trọng bên cạnh nhiều công trình lịch sử lâu đời. Những công trình này bắt đầu từ Nhà hát thành phố, rồi đến khách sạn, khu thương mại nổi tiếng như Khách sạn Rex, thương xá Tax, chợ Bến Thành… nối đến đường Trần Hưng Đạo, đi chợ Lớn và cả những công trình cũ đã bị phá dỡ.

Bên cạnh đó, với công trình giao thông “thế kỷ” đang được hoàn thiện trên tuyến đường này là tuyến Metro số 1 có hai ga ngầm quan trọng, đó là ga trung tâm Bến Thành và ga Nhà hát thành phố, ai đi vào khu vực trung tâm trên tuyến Metro này đều qua hai ga ngầm cũng như đi bộ trên con đường Lê Lợi. Do đó, đường Lê Lợi không chỉ là trục giao thông quan trọng, bộ mặt của khu trung tâm lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời là bộ mặt của tuyến Metro số 1, cho nên trục đường này cần được đầu tư nâng cấp toàn diện. “Như vậy, nếu chỉ bàn tới việc làm mái che cho vỉa hè như đề xuất thì đây là phương án thật sự không xứng tầm.

Với tuyến đường Lê Lợi, cần phải có một bản thiết kế đô thị và nâng cấp, chỉnh trang toàn bộ con đường và tuyến đường xứng đáng được đầu tư lớn hơn, bài bản hơn”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.

Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Nguyễn Duy An chia sẻ thêm, tuyến đường Lê Lợi sẽ là một trong 22 tuyến phố đi bộ mà thành phố dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. Vì vậy, việc cải tạo kiến trúc tại tuyến này là hết sức cần thiết để phù hợp với đề án.

Nếu thực hiện được sẽ bảo đảm gia tăng giá trị về cảnh quan kiến trúc, đáp ứng kết cấu hạ tầng hiện tại, phù hợp việc phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân. Đánh giá trên phương diện tổng thể, UBND Quận 1 mong mỏi, trong quá trình cải tạo, chỉnh trang, các sở, ngành cần lưu ý thêm các vấn đề như: thứ nhất là tính phù hợp và kết nối được với các giá trị kiến trúc, văn hóa, di tích lịch sử tại Quận 1; thứ hai việc chỉnh trang kết nối với các trục đường hiện có phải bảo đảm tính hiện đại, văn minh, sạch đẹp nhưng không gây áp lực về mặt an ninh trật tự, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng tại Quận 1; thứ ba là cần có sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền địa phương, tránh xung đột quyền lợi của người dân, vì khi việc cải tạo, chỉnh trang đáp ứng được tiêu chí về mặt kiến trúc, cảnh quan nhưng lại gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp và người dân…