Bảo tồn sự đa dạng nguồn lợi thủy sản

Tỉnh An Giang có ba dòng sông lớn chảy qua và nhiều kinh, rạch cho nên nguồn lợi thủy sản tự nhiên khá phong phú. Bao đời nay, khai thác thủy sản tự nhiên là nghề mưu sinh chính giúp hàng nghìn người dân ở An Giang trang trải cuộc sống hằng ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Nghề khai thác thủy sản tự nhiên giúp cho nhiều người dân ở An Giang có thu nhập.
Nghề khai thác thủy sản tự nhiên giúp cho nhiều người dân ở An Giang có thu nhập.

Là vùng đất từng được ví là "trên cơm, dưới cá" nhưng nguồn cá tự nhiên ở An Giang đang cạn dần, một số loài cá bản địa gần như biến mất, hoặc chỉ còn thưa thớt…

Tận diệt tôm cá

Sông nước An Giang có hơn 200 loại cá với hai loài cá đen và cá trắng. Cá trắng có quanh năm, trong đó cá linh chiếm hơn 70% tổng lượng khai thác. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên của tỉnh giảm dần theo từng năm. Năm 2001, sản lượng khai thác hơn 96 nghìn tấn, đến năm 2011 còn hơn 41 nghìn tấn và năm 2021 chỉ còn 14,8 nghìn tấn.

Ông Nguyễn Văn Phong, chuyên đánh bắt cá sông ở thành phố Long Xuyên cho biết, các loài cá thông thường như cá ngựa, cá thiểu, cá bã trầu, cá ba kỳ, cá heo, cá leo... đang mất dần, còn loài cá rằm đã biến mất. Lúc trước, kéo lưới luôn dính cá rằm nhưng mấy năm gần đây thả lưới, tát ao, đặt đáy không còn con cá rằm nào. Còn cá nhái, tới tháng 11 xuất hiện bầy bầy nhưng lúc này cũng biệt tăm.

Ðáng lo ngại khi nguồn cá linh đang giảm dần. Năm 2022, ngư dân lo lắng khi cá linh xuất hiện với kích cỡ to, nhỏ khác nhau báo hiệu những bất ổn về môi trường. Ðiều này trái với quy luật tự nhiên vì cá linh non có mặt cùng lúc khi nước nổi về và cùng lớn đều như nhau.

Mới đây, nhiều ngư dân ở An Giang lo lắng khi cá bông lau nuôi sống nhiều người bỗng nhiên tuột dần sản lượng theo từng mùa. Loài cá này di cư theo các dòng sông lớn như sông Vàm Nao chảy qua huyện Phú Tân, Chợ Mới được xem là "ổ cá bông lau", mùa đánh bắt từ tháng 2 cho đến tháng 4 dương lịch hằng năm. Nhưng năm nay, bến sông Vàm Nao thưa thớt ngư dân. Một số người băn khoăn, không biết có phải do thời tiết bất thường ảnh hưởng đến chu kỳ sinh sản, di cư của cá bông lau hay không mà mãi tới tháng 3, cá mới xuất hiện nhưng rất ít và cho đến thời điểm này thì xem như mất mùa…

Ði dọc theo các dòng sông, kinh, rạch ở An Giang, không khó để bắt gặp nhiều người ngồi trên thuyền gỗ dùng vợt xung điện rà rà dưới sông chích điện để bắt cá. Ðây là cách đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản. Còn khi mùa nước nổi tràn về mang theo nguồn tôm cá dồi dào, những cá còn bé hơn ngón tay út đã bị khai thác triệt để, dù giá bán chỉ vài nghìn đồng mỗi ký...

Theo ông Trần Anh Dũng, Chi Cục trưởng Thủy sản tỉnh An Giang, nghề khai thác cá tự nhiên của tỉnh có quy mô nhỏ, thô sơ; ngư dân sử dụng nhiều lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hay xung điện kết hợp với ngư cụ; đánh bắt trong mùa vụ sinh sản của cá, đánh bắt nhiều cá con... là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nhanh nguồn tôm, cá. Tỉnh đang tính toán tổ chức lại hoạt động khai thác nội địa hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế về nguồn lợi thủy sản, đặc điểm sinh kế của cộng đồng dân cư của từng địa phương; tiến tới loại bỏ hẳn các loại hình, phương tiện khai thác mang tính hủy diệt; đồng thời xây dựng, tổ chức các mô hình đánh bắt theo hình thức đồng quản lý kết hợp bảo vệ và phát triển nguồn cá; chọn lọc, khôi phục các loại nghề, ngư cụ đánh bắt truyền thống hiệu quả, thân thiện với môi trường hệ sinh thái thủy vực…

Xây dựng khu bảo vệ cá

Theo ông Trần Anh Dũng, nguyên nhân khiến lượng cá giảm cũng do diện tích ngập lũ tự nhiên của tỉnh giảm dần hằng năm do sản xuất ba vụ, quá trình đô thị hóa nông thôn, các khu công nghiệp phát triển, các vùng nuôi thủy sản quy mô lớn hình thành... Vùng nước ngập lũ tự nhiên để tôm, cá di cư từ thượng nguồn về sinh sản, sinh trưởng còn lại rất ít, làm giảm khả năng tự phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Theo kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh An Giang, sản lượng khai thác nội địa duy trì ở mức khoảng 15.000 tấn/năm. Ðến năm 2030, An Giang thành lập ít nhất hai khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa cấp tỉnh kết hợp phát triển du lịch; xây dựng từ 3-5 khu lưu trú nhân tạo cho các loài thủy sản tự nhiên nội địa tại các hệ sinh thái thủy vực. Tỉnh An Giang đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba khu vực gồm sông Vàm Nao, sông Hậu và xã Phú Hội, huyện An Phú và một khu vực khác cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại búng Bình Thiên cùng vùng lân cận.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt, quá trình sinh sản, sinh trưởng của tôm, cá bị tác động nặng nề, nếu không có phương pháp bảo vệ, tương lai các dòng sông sẽ mất đi các loài cá bản địa là điều khó tránh khỏi. Ðiều này cần sự chung sức, chung lòng của người dân, nhất là trong việc đánh bắt.

Từ năm 2012 đến nay, hằng năm, An Giang đều tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các vùng nước tự nhiên góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Gần đây, nhiều hộ dân trong tỉnh đã nuôi và bảo vệ được đàn cá "hoang dã" tìm đến khu vực bến sông của một số gia đình sinh sống với số lượng khá lớn. Ðây cũng là hướng mở cho việc bảo tồn cá tự nhiên ở An Giang nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói chung khi các dòng sông đang mất dần các loài cá tự nhiên...