Kết nối cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Trong hơn 100.000 người khuyết tật ở Hà Nội, khoảng 30.000 người có khả năng lao động. Do đó, kết nối cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng yếu thế này là hoạt động thiết thực nhất nhằm giúp đỡ, động viên những người khuyết tật. Qua đó, giúp họ có điều kiện học tập, tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Nhấn nút khai mạc phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. (Ảnh: Ngân Anh)
Nhấn nút khai mạc phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. (Ảnh: Ngân Anh)

340 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh cho người khuyết tật

Ngày 11/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

33 doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã tham gia chương trình. Trong số này, có 12 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật. Tổng nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh tại phiên giao dịch việc làm đặc biệt này là 901 chỉ tiêu, với 340 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh dành riêng cho người khuyết tật.

Kết nối cơ hội việc làm cho người khuyết tật ảnh 1

Tư vấn thông tin việc làm cho người lao động tại chương trình. (Ảnh: Ngân Anh)

Kết quả tổng hợp từ phiên giao dịch việc làm cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động lao động phổ thông chiếm tỷ lệ 50,2%; lao động có trình độ cao đẳng-đại học chiếm tỷ lệ 21,7%. Còn lại là nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp-công nhân kỹ thuật.

Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 đã được quy định trong Pháp lệnh Người tàn tật từ năm 1998 và nay là Luật Người khuyết tật 2010, khẳng định quyền được hòa nhập và bình đẳng của người khuyết tật.

Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật đầu tiên của năm 2023 tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn. Các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng như: Công nhân may, thợ thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động chưa có việc làm, cũng như lao động khuyết tật, tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân.

Các doanh nghiệp tham gia sự kiện này có nhiều chỉ tiêu phù hợp và mức lương thỏa đáng. Đó là các nghề: may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp,… sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho người lao động khuyết tật tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng, thu nhập ổn định và có thể gắn bó lâu dài.

Hoạt động này hưởng ứng dịp kỷ niệm 24 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4. Phiên giao dịch việc làm nhằm cung cấp thông tin thị về trường lao động-việc làm cho người khuyết tật; đồng thời nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng về việc làm, học nghề của người lao động khuyết tật. Từ đó, kết nối trực tiếp đến các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động khuyết tật tìm kiếm được việc làm, học nghề phù hợp với tình trạng khuyết tật và khả năng của bản thân, giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Phiên giao dịch việc làm được tổ chức qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, đồng bộ từ sàn trung tâm tại phố Trung Kính đến 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện.

Tại phiên giao dịch việc làm, chị Phạm Thu Hiền, Công ty TNHH May xã hội 3/2 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), cho biết, doanh nghiệp cần tuyển khoảng 10 công nhân may cờ, học nghề may công nghiệp. Công việc tại doanh nghiệp này khá phù hợp với người khuyết tật, với mức lương khoảng 5 triệu đồng. Lao động khuyết tật sẵn sàng được tiếp nhận, và có thể được đào tạo nếu chưa biết nghề. Hiện tại Công ty đang có 20 lao động khuyết tật đang làm việc.

Còn chị Trịnh Thị Đông, đến từ Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (thôn 9, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay, doanh nghiệp cần tuyển 15 công nhân may và 15 công nhân làm hạt gỗ. Tùy theo dạng tật và sức khỏe, người lao động có thể được bố trí công việc phù hợp với khả năng.

Việc làm cho người khuyết tật: Cộng đồng cùng chung tay

Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh, việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động nói chung và người khuyết tật nói riêng bởi công việc giúp họ có được thu nhập, ổn định đời sống. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không không chỉ là trách nhiệm của riêng Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội.

Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho người khuyết tật một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm yếu thế này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội…

Qua ba tháng đầu năm 2023, kinh tế-xã hội của Hà Nội đã dần phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Riêng với lĩnh vực lao động-việc làm, tính đến hết quý I năm nay, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 44,5 nghìn lao động, đạt 27,5% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2022.

Thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho người khuyết tật một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm yếu thế này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… Đồng thời, điều này còn khẳng định vai trò của người khuyết tật, giúp họ tham gia đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Hà Nội.

Các cơ quan chức năng của Thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật. Trong thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, cổ động những người khuyết tật khó khăn để họ có điều kiện học tập, tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập.

Ông Dân nhấn mạnh, phiên giao dịch việc làm chính là một trong các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía cá nhân, người lao động khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”.

Trong thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực lao động-việc làm và công tác xã hội. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ người khuyết tật học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận người khuyết tật vào làm việc, hỗ trợ những người khuyết tật có ý tưởng mở cơ sở sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, phát huy cao hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề hỗ trợ người khuyết tật và tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm hướng đến đối tượng người khuyết tật.

Với các hoạt động này, trong lĩnh vực lao động, kỳ vọng người khuyết tật có được sự trợ giúp tốt nhất để khẳng định quyền hòa nhập và bình đẳng của mình.

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Trịnh Xuân Dũng, cho biết, Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội được thành lập năm 2006 và đã có 16.000 hội viên. Trong nhiều năm qua, tổ chức này luôn hợp tác và phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, hỗ trợ thanh niên khuyết tật, người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ổn định. Từ đó, thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội đối với người khuyết tật.

Ông Dũng mong muốn, hình thức phiên giao dịch việc làm này luôn được duy trì, để người khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội tìm được việc làm trên thị trường lao động. Đồng thời, mở rộng triển khai những hoạt động tương tự về các quận/huyện để phù hợp hơn với người khuyết tật đến tham gia.