Giải pháp tạo việc làm cho người khuyết tật

Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng bảy triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật.
0:00 / 0:00
0:00
Học viên khuyết tật học nghề thêu tại Trung tâm Dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh minh hoạ: Hồ Cầu/TTXVN)
Học viên khuyết tật học nghề thêu tại Trung tâm Dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh minh hoạ: Hồ Cầu/TTXVN)

Trong số khoảng 7 triệu người khuyết tật có đến 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỷ lệ người khuyết tật ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỷ lệ nghèo trung bình của cả nước. Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, số người khuyết tật có trình độ từ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%. Về trình độ chuyên môn, tới hơn 93% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn; số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.

Có thể nói, trong những năm qua, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa quan trọng, giúp họ hòa nhập xã hội, đã được Ðảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Tại Hội thảo "Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với người khuyết tật ở Việt Nam" do Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức mới đây, ông Tô Ðức, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Việt Nam là một trong số những quốc gia đã ban hành hệ thống chủ trương pháp luật về người khuyết tật khá đầy đủ, khá toàn diện.

Việt Nam đã ban hành Luật Người khuyết tật, phê duyệt Công ước về quyền người khuyết tật. Bên cạnh đó, ngày 1/11/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 39 tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người khuyết tật yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách giáo dục nghề, việc làm tín dụng. Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 đã dành một mục riêng, với 3 điều quy định về chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật, sử dụng lao động là người khuyết tật và những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật. Luật Người khuyết tật cũng có Chương 5, quy định về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật.

Ngày 5/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1190 phê duyệt chương trình trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 có 300 nghìn người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề cho người khuyết tật tại sáu vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Phấn đấu hỗ trợ 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo sinh kế, tạo việc làm.

Ðể thực hiện được chỉ tiêu dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã bố trí ngân sách khoảng gần 10 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19 nghìn người khuyết tật. Mức hỗ trợ dạy nghề của Nhà nước cũng đã điều chỉnh cao hơn (tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa...). Bình quân mỗi năm các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước hỗ trợ khoảng 20 nghìn lượt người khuyết tật học nghề, việc làm tỷ lệ thành công đạt hơn 50%. Nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, học nghề, được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp họ vươn lên, thoát nghèo.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật gặp nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng người khuyết tật được học nghề, có việc làm còn hạn chế; thiếu chương trình, giáo viên, tư vấn nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật; nguồn lực và chính sách vẫn chưa phù hợp; trình độ học vấn của người khuyết tật thấp cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình cũng là rào cản, hạn chế nhiều cơ hội tiếp cận việc làm, nghề nghiệp của họ. Nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong việc tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc chưa thật sự hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa chú ý trong việc tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc do các quy định cấm sử dụng lao động khuyết tật suy giảm khả năng lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm. Lao động khuyết tật học một số nghề ra chưa tìm được việc làm, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc khó tiêu thụ. Thực tế này đòi hỏi phải có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về việc làm dành cho người khuyết tật cũng như các giải pháp trong việc thực hiện những quy định, chính sách.

Bà Phan Thanh Minh (Vụ pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần phải sớm có những điều chỉnh về điều kiện tại nơi làm việc cho người khuyết tật. Tuy đã có quy định trong Luật Người khuyết tật là các tổ chức, cá nhân tùy theo điều kiện của mình, bố trí điều kiện làm việc và điều kiện làm việc cho người khuyết tật. Nhưng thực tế, từ khi Luật Người khuyết tật ra đời đến nay, chưa có những hướng dẫn cụ thể hay mô hình nào để doanh nghiệp có thể học tập cải thiện điều kiện nơi làm việc cho người khuyết tật.