Kết nối nhiều địa phương về việc làm
Ngày 9/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp trung tâm dịch vụ việc làm của các địa phương Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh, thành phố phía bắc.
Phỏng vấn trực tuyến người lao động từ sàn giao dịch việc làm Hà Nội. (Ảnh: Ngân Anh) |
Hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp. Đây cũng là dịp cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động, học viên, sinh viên rộng rãi tới các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Thông tin tổng hợp từ phiên giao dịch việc làm trực tuyến cho thấy, có 158 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 55.759 chỉ tiêu. Trong đó, các địa bàn có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là: Bắc Giang (44.789 lao động), Bắc Ninh (2.540 lao động) Quảng Ninh (2.415 lao động), Ninh Bình (2.473 lao động), thành phố Hà Nội (1.139 lao động)…
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh, thành phố phía bắc có 158 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 55.759 chỉ tiêu.
Các địa bàn có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là: Bắc Giang (44.789 lao động), Bắc Ninh (2.540 lao động) Quảng Ninh (2.415 lao động), Ninh Bình (2.473 lao động), thành phố Hà Nội (1.139 lao động)…
Các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn là sản xuất điện tử (vị trí công nhân), may mặc, công nhân sản xuất nhựa, công nhân xây dựng, cơ khí-hàn, bán hàng-thu ngân…
Xét theo trình độ, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn nhất với 54.100 chỉ tiêu. Số còn lại là trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật (759 người), và cao đẳng, đại học trở lên (900 người).
Các vị trí có mức lương từ 10-15 triệu đồng chiếm tỷ lệ tuyển dụng cao nhất với 27.561 việc làm. Đây là mức thu nhập của những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng-phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Tiếp theo là mức thu nhập hơn 15 triệu đồng trở lên với 10.586 vị trí.
Mức lương từ 7-10 triệu đồng có 8.957 vị trí. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Mức lương từ 5-7 triệu đồng có 6.135 việc làm. Đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian...
Cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm người lao động từ 18-25 tuổi. Đây là cơ hội cho người lao động trẻ nhiệt huyết với công việc. Qua đó, họ dễ dàng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tại đầu cầu Hà Nội, ông Phạm Hoàng Long, Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự (Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Long Hưng) cho hay, với tính chất công ty sản xuất, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp thường xuyên. Việc tham gia sàn giao dịch việc làm theo hình thức trực tuyến cũng như trực tiếp rất có ý nghĩa. Thông qua đó, doanh nghiệp dễ dàng tuyển được nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu.
Còn ông Phan Hoàng Anh, chuyên viên tuyển dụng của Công ty cổ phần Mediamart Việt Nam, cho biết, hiện tại, doanh nghiệp này nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.000 nhân sự trên toàn hệ thống. Các yếu tố được người lao động quan tâm nhất khi tuyển dụng là thu nhập và văn hóa của doanh nghiệp. Bên cạnh yếu tố quan trọng là thu nhập, người lao động cũng tìm hiểu, mong muốn được làm trong môi trường phù hợp, có thể gắn bó lâu dài và có cơ hội phát triển trong sự nghiệp.
Trên địa bàn Hà Nội, có 38 doanh nghiệp tham gia, với 1.139 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, 18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất (47,3%), còn lại, 52,7% thuộc các lĩnh vực khác, như thương mại-dịch vụ, xây dựng, giáo dục….
Bám sát thông tin thị trường lao động
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành nhận xét, phiên giao dịch việc làm kết nối 10 tỉnh, thành phố phía bắc của ngày hôm nay cho thấy, chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp tương đối lớn. Có thể thấy, tình hình thị trường lao động-việc làm sau Tết Nguyên đán 2023 sôi nổi, nhu cầu về lao động tăng hơn so với thời điểm cuối năm 2022.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành. (Ảnh: Ngân Anh) |
Theo dữ liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong quý 1 năm 2023 là khoảng từ 100 đến 120 nghìn vị trí. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở một số lĩnh vực ngành, nghề như: logistics, dịch vụ lưu trú-ăn uống (du lịch). Đây là những lĩnh vực tiếp tục gia tăng nhu cầu về nhân lực trong thời gian. Tiếp đến là nhóm ngành/nghề về bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin. Tiếp đến, các doanh nghiệp thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Quang Thành, trong quý đầu tiên của năm nay, dự kiến, 55 phiên giao dịch việc làm sẽ được tổ chức trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, tập trung gần 40 phiên giao dịch việc làm việc làm hằng ngày.
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong quý 1 năm 2023 là khoảng từ 100 đến 120 nghìn vị trí.
Cùng với đó, đơn vị tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động. Cụ thể, trong tháng 3 tới, sẽ diễn ra các phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa bàn quận Hoàn Kiếm và huyện Thanh Oai.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng dự định tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề. Từ công tác nhận định, nắm bắt biến động của thị trường lao động, đơn vị và các cơ quan liên quan sẽ hướng tổ chức các lĩnh vực, ngành/nghề phù hợp với cung-cầu của thị trường lao động. Từ đó, tổ chức các chương trình gắn kết tốt nhất, hỗ trợ phù hợp cả cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm phù hợp.
Với sự phối hợp chuẩn bị tốt của các đơn vị tham gia, bám sát thông tin thị trường lao động năm 2023, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh, thành phố đầu tiên diễn ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được kỳ vọng mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu tại sàn giao dịch việc làm. Mục tiêu cao nhất của chương trình là tạo cơ hội việc làm cho đông đảo người lao động trên địa bàn Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận.
Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, tính chung cả năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 203 nghìn lao động, đạt 126,9% kế hoạch giao trong năm.
Cũng trong năm, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận, xét duyệt và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 70,2 nghìn người với kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 1.873 tỷ đồng. Quỹ này cũng chi trả số tiền hỗ trợ học nghề cho 1.600 người với số tiền hơn 7 tỷ đồng.