Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… vốn có nhiều tiềm năng để phát triển làng nghề. Có nhiều làng nghề đã hình thành lâu đời, nhiều sản phẩm nổi tiếng, độc đáo đã được thị trường trong và ngoài nước biết đến; hàng chục làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời với những sản phẩm mang đậm nét văn hóa cổ truyền và bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương.
Đơn cử, tại tỉnh Ninh Thuận có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có làng nghề tồn tại, phát triển hàng trăm năm với các sản phẩm đặc thù như: gốm Bàu Trúc; dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; dệt thổ cẩm Chung Mỹ; tại tỉnh Khánh Hòa có gốm nghệ thuật Lư Cấm; dệt chiếu Vĩnh Thái; đan lưới chài Vĩnh Trường; đan võng Nha Trang; chằm nón Diên Khánh; ốc mỹ nghệ Vĩnh Nguyên,.. Hay tỉnh Phú Yên có làng nghề đan thúng chai Phú Mỹ, làng nghề dệt chiếu Phú Tân (huyện Tuy An), làng rượu Quán Đế thị xã Sông Cầu, làng nghề nước mắm Gành Đỏ, dệt thổ cẩm của người Ê Đê xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa…
Thanh niên trẻ Đàng Tuấn Khang ( Ninh Thuận) đang chạm trổ tượng nữ thần dân tộc Chăm trên chiếc bình được chế tác gốm mỹ nghệ theo đơn đặt hàng. (Ảnh: Nguyễn Trung) |
Nhiều năm qua, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng khôi phục, phát triển các làng nghề. Như tại tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông, cổng làng nghề, nhà trưng bày... tạo bộ mặt mới cho làng nghề.
Đồng thời, tỉnh đã và đang huy động nhiều nguồn lực triển khai đề án hỗ trợ các làng nghề truyền thống phát triển nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Các làng nghề được hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, xử lý môi trường, xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch.
Nhiều năm qua, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng khôi phục, phát triển các làng nghề. Như tại tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông, cổng làng nghề, nhà trưng bày... tạo bộ mặt mới cho làng nghề.
Tỉnh Khánh Hòa có quyết định công nhận 4 làng nghề gồm soi trầm hương thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, Vạn Ninh); chế tác đá mỹ nghệ tổ dân phố Phong Phú 1 và trồng hoa cúc tổ dân phố Phong Phú 2 (Ninh Giang, Ninh Hòa); đan giỏ cần xé thôn Suối Cát (xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm). Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, một số làng nghề nông thôn ở Khánh Hòa có chiều hướng phát triển tốt. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2021-2025; trong đó, mục tiêu quan trọng là tạo ra những sản phẩm đặc sắc, đặc trưng từ ngành nghề nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Ông Nại Tĩnh là một trong những đàn ông người Chăm có tay nghề cao trong chế tác sản phẩm gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận. ( Ảnh: Nguyễn Trung) |
Tại tỉnh Phú Yên, nhằm khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2016-2020, cũng đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng đào tạo nghề, đầu tư khoa học công nghệ , xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng mô hình, dự án ngành nghề nông thôn, công tác khuyến công và chương trình OCOP…
Nhờ các chủ trương, chính sách kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của các địa phương, trong những năm qua, công tác phát triển làng nghề trên địa bàn các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu, lao động sẵn có tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho một bộ phận người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở địa phương.
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển của các làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế: Công tác đào tạo, truyền nghề chưa hiệu quả, chưa phát huy được vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi trong đào tạo, truyền nghề ở các làng nghề truyền thống; đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có xu hướng giảm. Thiếu bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của làng nghề nhằm giúp cho các địa phương chủ động xem xét, đánh giá thường xuyên hiệu quả hoạt động và có giải pháp định hướng phát triển làng nghề hiệu quả, bền vững. Hệ thống cơ sở hạ tầng làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu các công trình hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, bảo tồn không gian văn hóa làng nghề. Mẫu mã, bao bì các sản phẩm chưa có sự đầu tư, sáng tạo; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế.
Trong những năm qua, công tác phát triển làng nghề trên địa bàn các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu, lao động sẵn có tại địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho một bộ phận người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở địa phương.
Làng nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Ba Na buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, Phú Yên. (Ảnh: Trình Kế) |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đối với các làng đã có nghề, tỉnh tập trung bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, thiết kế sản phẩm mới phù hợp thị trường.
Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ khôi phục, bảo tồn 5 nghề truyền thống và 2 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 2 nghề truyền thống và phát triển 3 làng nghề gắn với du lịch; có hơn 70% nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả; 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 80% lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản... Đồng thời, phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh huy động nguồn lực triển khai thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, 9 nhóm giải pháp; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chính như: đào tạo nghề, phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi trong làng nghề; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị sản xuất.
Du khách tham quan và mua sản phẩm gốm Bàu Trúc khi đến Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Trung) |
Hiện toàn tỉnh Phú Yên có 16.050 cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn ở 17 làng nghề truyền thống; trong đó, một số nghề bị mai một và dần thất truyền. Các nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh Phú Yên có từ lâu đời, gắn với đặc trưng từng địa phương.
Tỉnh Khánh Hòa xác định trong 5 năm tới, sẽ dành khoảng 40 tỷ đồng để phát triển làng nghề; gần 80% số vốn này từ ngân sách nhà nước, còn lại của các chủ thể sản xuất.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng
Tuy nhiên, hình thức và quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, các xưởng sản xuất nằm xen kẽ với khu dân cư, sử dụng diện tích đất ở làm nơi sản xuất, mặt bằng chật hẹp, không có khả năng mở rộng; hệ thống hạ tầng cơ sở làng nghề còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP truyền thống đặc trưng của địa phương, tỉnh đã phê duyệt đề án Khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch. Theo đề án, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh nỗ lực khôi phục, bảo tồn 10 làng nghề có nguy cơ mai một; ít nhất 10 sản phẩm làng nghề tham gia Chương trình OCOP và được gắn sao, đồng thời xây dựng thương hiệu 5 làng nghề.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, tỉnh Khánh Hòa xác định trong 5 năm tới, sẽ dành khoảng 40 tỷ đồng để phát triển làng nghề; gần 80% số vốn này từ ngân sách nhà nước, còn lại của các chủ thể sản xuất. Hoạt động hỗ trợ của nhà nước tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: bảo tồn các nghề truyền thống lâu đời, đang có nguy cơ mai một; khôi phục để phát triển một số nghề phát triển cầm chừng và mở rộng, nâng tầm các nghề, làng nghề đang phát triển tốt. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ về kinh phí, các hoạt động đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ…