“Phao cứu sinh” của phụ nữ vùng biển

Thấu hiểu nghị lực vươn lên của chị em phụ nữ vùng biển, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh đã tận tình hướng dẫn, ưu tiên nguồn vốn ưu đãi để chị em đầu tư, phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, từ đó nâng cao vị thế của chị em trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng giới.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình chế biến hải sản Luận Nghiệp (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) là một trong những điểm sáng của phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Hà Tĩnh.
Mô hình chế biến hải sản Luận Nghiệp (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) là một trong những điểm sáng của phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Hà Tĩnh.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp của mình, bà Trương Thị Nhị ở xã Kỳ Khang, Kỳ Anh nhớ lại: Cơ sở chế biến hải sản của gia đình được thành lập từ năm 2007, song do khó khăn về nguồn vốn nên trong những năm đầu, hoạt động sản xuất của gia đình bà chỉ mang tính chất thời vụ, nhỏ lẻ, vì vậy lợi nhuận chẳng đáng bao nhiêu. Ngay sau khi quỹ tín dụng nhân dân liên xã Khang Thọ ra đời, nhận thấy được lợi thế của địa phương trong khai thác, đánh bắt thủy hải sản, bà đã mạnh dạn đề đạt nguyện vọng và trở thành thành viên của quỹ. Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời, bà Nhị tự tin mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng chế biến.

Thấy được hướng đi đúng đắn của mình, lại được chính quyền địa phương động viên, tạo điều kiện thuận lợi thuê đất, tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, nhất là được quỹ tín dụng nhân dân liên xã Khang Thọ “bơm” vốn kịp thời, bà Nhị đã thành lập hợp tác xã thu mua, chế biến thủy hải sản Kỳ Khang. Nhờ đó, các hải sản đánh bắt của địa phương đã được chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị, được thị trường trong nước và nước ngoài tin dùng.

“Nhờ số tiền được vay mà tôi xây dựng nhà xưởng rộng rãi hơn, mở rộng quy mô để chế biến sứa xuất khẩu. Từ công suất vài tấn mỗi ngày nay nâng lên từ 30-40 tấn sứa/ngày. Cơ sở hiện giải quyết việc làm ổn định cho bảy lao động với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng. Điều quan trọng là từ đó đến nay, mỗi khi cần vốn quay vòng sản xuất, tôi đều được quỹ tín dụng, hỗ trợ cho vay và giải ngân rất nhanh chóng, tiện lợi”, bà Nhị vui vẻ cho biết thêm.

Theo Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân liên xã Khang Thọ Nguyễn Thị Hằng, với 3.958 thành viên tham gia, quỹ tín dụng nhân dân liên xã Khang Thọ đang huy động, quản lý hơn 341 tỷ đồng, dư nợ hơn 321 tỷ đồng. Thời gian qua, quỹ đã hỗ trợ hiệu quả cho các thành viên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Mỗi khi các thành viên có nhu cầu vay vốn, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ thì sẽ được giải ngân kịp thời. Điều đáng mừng là hơn 70% số phụ nữ đứng chủ vay vốn để sản xuất và đến nay không có nợ xấu, nợ quá hạn.

Với bà Đặng Thị Luận (thôn Tiến Thắng, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh), nhờ nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ chương trình vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thị xã Kỳ Anh đã giúp bà có thêm điều kiện để mua bể chứa chế biến nước mắm đạt chuẩn OCOP. Hiện nay, cơ sở chế biến nước mắm của bà Luận giải quyết việc làm ổn định cho tám lao động, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng, xuất bán ra thị trường mỗi năm khoảng 800 nghìn lít nước mắm các loại.

Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thị xã Kỳ Anh Nguyễn Thành Đô cho biết, cơ sở sản xuất của bà Luận là một trong nhiều mô hình phát triển sản xuất do phụ nữ đứng chủ thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thị xã Kỳ Anh. Hiện tại, ngân hàng đang có 7.042 khách hàng, ủy thác cho 25 hội cấp xã với 178 tổ tiết kiệm vay; trong đó, hội phụ nữ được ủy thác cho tám xã, phường với 51 tổ tiết kiệm vay vốn, cho vay 2.173 khách hàng, với dư nợ 143 tỷ đồng.

“Thời gian qua, đơn vị đã tập trung phối hợp hội phụ nữ các cấp tổ chức triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Nguồn vốn được ưu tiên, chú trọng cho các mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm của chị em. Song song với cho vay, chúng tôi còn hướng dẫn, tư vấn để chị em sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đến nay, nguồn vốn vay đều được sử dụng rất hiệu quả, đúng mục đích và không có nợ quá hạn”, ông Đô chia sẻ.

Trao đổi về những giải pháp tiếp sức, đồng hành cùng nghị lực, khát vọng vươn lên của chị em phụ nữ trên địa bàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trương Thị Lượng cho biết: Để hỗ trợ các hội viên phát triển sản xuất, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng chính sách gắn thực hiện có hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”.

Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ 1.073 phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ ra mắt 348 tổ hợp tác, 82 hợp tác xã, hơn 5.000 mô hình kinh tế cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; 138 sản phẩm do phụ nữ làm chủ xây dựng sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Hội tiếp tục phối hợp quản lý và điều hành có hiệu quả nguồn vốn vay hơn 4.600 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 2.400 tỷ đồng với 19.205 hộ vay; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh gần 2.200 tỷ đồng với 34.834 hộ vay; Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh hơn 127 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nguồn vốn từ Quỹ Phòng, chống thiên tai và các tổ chức tín dụng khác.