Xuân sang, muôn sắc mai vàng

Xã Nhơn An, thị xã An Nhơn (Bình Định) từ lâu đã được coi là trung tâm trồng mai vàng ở khu vực miền trung. Xuân tới, những sắc mai vàng tại đây lại có dịp theo bước chân người đi khắp muôn nơi.
0:00 / 0:00
0:00
Mai vàng An Nhơn có nét độc đáo được khá nhiều người ưa thích.
Mai vàng An Nhơn có nét độc đáo được khá nhiều người ưa thích.

Nghề trồng mai ở làng Háo Đức (xã Nhơn An) có từ hàng chục năm trước, nhưng thời điểm đó không phải ai cũng ưa chuộng loại hoa này; người trồng cũng ít nên đầu ra chủ yếu dựa vào sở thích người dân địa phương chứ chưa có thị trường rõ ràng. Dần dà, những cây mai vàng rực bắt đầu có sức hút và được nhiều người chú ý.

Từ thị hiếu của người dân, một số hộ dân nhận thấy loại cây cảnh này có thể mang lại thu nhập cao trong dịp Tết cho nên mạnh dạn đầu tư công sức, vốn liếng vào loại cây cảnh này. Đến nay, ở Háo Đức có đến 99% số hộ dân trong làng cùng trồng mai, trở thành trung tâm cung cấp mai cảnh lớn nhất ở Bình Định. Tuy nhiên, chỉ vài gia đình nghệ nhân được khách hàng ưa chuộng bởi họ biết tạo ra bí quyết về cách uốn thân, tỉa cành, tạo dáng cho chậu hoa được đẹp mắt.

Anh Lê Tấn Bộ (thôn Háo Đức), người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng mai cho biết, mai An Nhơn bề ngoài không khác gì mai trồng ở miền Tây Nam Bộ, có khác chăng ở vẻ khỏe khoắn hơn. Một chậu mai đẹp cần có gốc lớn, chắc khỏe với những chân rễ cuồn cuộn như chính tấn pháp của võ cổ truyền Bình Định, sau đến là thế (dáng cây). Tuy nhiên, căn bản nhất vẫn là phần gốc phải toát lên thần thái của một thân cây đã “trải mưa, gội nắng”, xù xì và tỏa rễ như khí phách người quân tử có thể bao trọn đất trời; cùng với đó là phần thân và cành cần toát lên vẻ mảnh mai, nhẹ nhàng như đức tính thanh cao và bao dung trong cách đối nhân xử thế. Người ta gọi “nhất gốc, nhì thế, tam thân, tứ hoa” là vậy.

Trên lãnh thổ Việt Nam, mai vàng là giống cây bản địa mọc tự nhiên từ bắc tới nam. Từ loài mai vàng hoang dại, người dân ở các địa phương đã trải qua nhiều năm trồng, thuần hóa và lai tạo để hình thành nên những làng nghề trồng mai, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Do vậy, mỗi nơi lại có phương thức, kinh nghiệm canh tác và đặc điểm thời tiết, thổ nhưỡng khác nhau để tạo ra những giống mai cảnh mang đặc trưng riêng của mỗi vùng. Những người trồng mai cho biết, muốn cây mai đẹp, người trồng phải bỏ nhiều công chăm sóc dù đây là loài cây cảnh dễ sống và dễ trồng.

Vì thế để tạo ra những chậu mai cảnh độc đáo, thế đẹp, mai ghép nhiều mầu, hoặc cây mai bonsai dáng lạ thì người trồng phải có kỹ thuật và hiểu biết về loài cây này. Điều quan trọng nhất và cũng khó nhất trong kỹ thuật trồng mai là tạo dáng cho cây và giúp mai nở hoa đúng kỳ để hoa đều, mầu đẹp.

Từ xa xưa, cây mai vàng Bình Định đã sinh trưởng và nở hoa trên địa hình núi cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, tạo nên những quần thể rừng mai vàng rất đẹp. Khi mùa xuân đến, những rừng mai cổ thụ nở vàng trông xa như một bức tranh trải rộng suốt cả vùng, làm cho vùng đất địa linh nhân kiệt này càng trở nên thơ mộng và quyến rũ.

Đối với người miền trung và miền nam, mai vàng là loài hoa không thể thiếu trong ngày Tết, giống như miền bắc không thể thiếu hoa đào. Những ngày đầu xuân, ai cũng muốn có một cành mai đẹp trong nhà, vừa tô điểm sắc xuân, vừa để cầu mong những điều tốt đẹp. Do vậy, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, những làng mai ở An Nhơn lại nhộn nhịp người tới lựa cây đưa đi các địa phương khác. Con đường dẫn vào làng không mấy khi ngớt tiếng người, tiếng xe, ai ai cũng bận rộn làm việc không ngơi tay từ Tết Dương lịch cho tới ngày 30 tháng Chạp. Ngày xuân, những đóa mai vàng đua nhau tỏa hương khoe sắc, như mang cả bầu trời đầy nắng và niềm vui, hạnh phúc tới cho mọi nhà.

Ông Lê Văn Ánh, nghệ nhân trồng mai ở thôn Háo Đức cho biết, mai là biểu tượng của người quân tử, là bạn tâm giao của người thanh lịch, tao nhã. Mầu vàng của hoa mai từ lâu đã được xem là mầu của sự giàu sang, phú quý. Theo quan niệm của nhiều người, nhà nào có hoa mai nở càng nhiều cánh thì nhà đó càng may mắn và sung túc trong năm mới. Khi sắc hoa vàng rực nở bung bên cạnh những nụ xanh e ấp được coi là điềm lành. Vì thế, nhiều người chưng hoa mai vào dịp Tết để cầu mong năm mới gia đình an khang, thịnh vượng.

Hiện nay, Bình Định là một trong những địa phương có nhiều làng nghề trồng mai nhất cả nước. Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, người dân nơi đây đã dày công gây giống, lai tạo từ thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau vốn kinh nghiệm quý báu. Vì thế, cây mai vàng Bình Định luôn có những nét đặc trưng riêng, được người tiêu dùng trên cả nước công nhận và ưa chuộng.

Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn cho biết, để tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu mai vàng An Nhơn, Ủy ban nhân dân thị xã đã tổ chức triển lãm tại khu trưng bày mai vàng nhằm quảng bá sản phẩm sinh vật cảnh của địa phương đến mọi miền Tổ quốc. Để thực hiện tốt công tác này, Ủy ban nhân dân thị xã An Nhơn đã giao cho Hội Sinh vật cảnh của thị xã huy động các nghệ nhân trong thị xã và khu vực lân cận đến để tham dự, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm đưa thương hiệu mai vàng An Nhơn đến nhiều nơi.

“Mới đây, việc mai vàng An Nhơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý được coi là một trong những cơ sở quan trọng để chúng tôi xây dựng và phát triển cây mai vàng trong thời gian tới, từ đó, định hướng An Nhơn trở thành thành phố mai vàng trong tương lai”, ông Tiến cho biết thêm.